Như Thanh Niên đã đưa tin, Viện sinh thái học miền Nam cho biết vừa phát hiện nhiều động vật hoang dã quý hiếm ở khu rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc, H.Tuy Phong (Bình Thuận). Cụ thể, các chuyên gia của viện đã dùng bẫy ảnh (thiết bị chụp ảnh tự động dựa trên cảm biến nhiệt và hồng ngoại) để ghi nhận các loài chim, thú trong rừng phòng hộ Lòng Sông - Đá Bạc.
Kết quả, bẫy ảnh ghi nhận được 24 loài chim, thú trong khu rừng này. Trong đó có những loài nguy cấp, quý hiếm như chà vá chân đen; tê tê java, công pavo muticus; sơn dương capricornis sumatraensis; khỉ đuôi lợn macaca leonina…
Trước đó, tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), các nhiếp ảnh gia bất ngờ khi chứng kiến loài chim mòng biển đuôi đen ở bãi biển Thọ Quang. Từ năm 2023, bán đảo Sơn Trà cũng chào đón đàn cá heo "nhảy múa" khiến người dân, du khách thích thú.
Thời điểm tháng 6.2024, hàng ngàn con cò ốc (còn gọi là cò nhạn, nằm trong Sách Đỏ VN) đáp xuống ruộng lúa ở xã Tân Nghĩa, H.Cao Lãnh (Đồng Tháp) để kiếm ăn đã thu hút sự chú ý của các nhà môi trường.
Tín hiệu vui
Đón nhận thông tin về việc phát hiện nhiều loài chim, thú quý hiếm trong môi trường hoang dã ở Bình Thuận, một bạn đọc (BĐ) thốt lên: "Thật tuyệt vời! Hy vọng chính quyền và người dân Bình Thuận sẽ bảo vệ rừng thật tốt, giữ gìn được sự đa dạng sinh học và các loài động vật quý hiếm để con người cùng thiên nhiên sống chan hòa với nhau hơn". BĐ Trịnh Cường cũng cho rằng: "Đây không chỉ là tín hiệu vui với các nhà nghiên cứu mà còn là quả ngọt cho những nỗ lực bảo vệ rừng".
BĐ Lưu Minh nhận xét: "Các chiến dịch truyền thông bảo vệ động vật hoang dã cùng với sự răn đe về tội hình sự nếu mua bán, tàng trữ, tiêu thụ thịt rừng… bước đầu đã mang lại hiệu quả". Tán thành, BĐ M.N đề nghị: "Cứ phạt thật nặng các nhà hàng, quán ăn hoặc nơi bán thịt rừng thì sẽ hết nạn săn bắn, mua bán thú rừng".
Tìm được, phải giữ được
Nhiều BĐ nhận xét so với hàng chục năm về trước, hiện nay tài nguyên rừng đã có sự cải thiện vượt bậc về độ che phủ và thành phần loài. BĐ Trường Lưu phân tích: "Rừng là nơi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho động vật hoang dã, cũng là nơi thu hút nhiều loài chim trên đường di trú. Ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương ngày càng cao sẽ hỗ trợ cho các nỗ lực bảo tồn môi trường".
Nhiều BĐ đề nghị chính quyền địa phương cần tập trung vào phát triển giáo dục cộng đồng qua du lịch sinh thái, có sự tham gia chủ động của các nhà nghiên cứu, khoa học và tình nguyện viên.
"Tìm được, phải giữ được, đừng để những kẻ săn bắn thú rừng lại âm thầm lẻn vào rừng Lòng Sông - Đá Bạc", BĐ Thủy nhấn mạnh.
Phương hướng chính xác và bền vững nhất để bảo vệ môi trường là kết hợp được với kinh tế. Chỉ có mô hình sinh ra được lợi ích thực tế thì mới tồn tại và nhân rộng ra được.
Tú Xê
Nên có các tour du lịch sinh thái độc đáo để du khách trải nghiệm. Nhưng phải tính toán để không làm ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái, môi trường, khiến động vật hoang dã bỏ đi.
N.V.Hùng
Bình luận (0)