Nga và Mỹ vẫn luôn trong tư thế đối đầu mỗi khi nói đến cuộc chiến năng lượng, đặc biệt là trong thị trường dầu khí. Washington từ lâu đã luôn đưa ra tranh luận về tầm quan trọng địa chính trị của mình trong việc xuất khẩu LNG sang châu Âu như một phương cách để giúp các nước đồng minh giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga. Một trong những kết quả nổi bật cho sự cố gắng suốt nhiều năm của Mỹ là chuyến tàu đầu tiên chở LNG đã được vận chuyển đến Ba Lan vào tuần trước.
Tuy nhiên, theo hãng thông tấn Sputnik, cuộc chiến LNG giữa Nga và nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ còn diễn biến căng thẳng hơn khi Nhà Trắng đang xem xét một dự thảo đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào hôm 14.6, về việc đưa ra các biện pháp chế tài kinh tế mới đối với Nga. Cụ thể, hạn chế mới dự định sẽ nhắm tới “các ngành then chốt của kinh tế Nga, bao gồm khai thác mỏ, kim loại, vận tải, đường sắt”. Không những thế, dự luật cũng cho thấy khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với những doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư xây dựng đường ống của Nga, hoặc cung cấp cho các công ty năng lượng Nga bất kỳ dịch vụ, công nghệ hay dữ liệu nào.
Được biết, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Áo Christian Kern cũng đồng ý với Mỹ trong kế hoạch này nhằm “thúc đẩy việc bán LNG của Mỹ, đồng thời siết chặt và đẩy các nguồn cung khí tự nhiên của Nga ra khỏi thị trường châu Âu”.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Radio Sputnik, Gennady Shmal, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Nga, lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ cả trước đây và sắp tới đều không thể cản trở được hoạt động bình thường của ngành dầu khí Nga, cũng như vị thế của nước này trên thị trường khí đốt châu Âu.
“Người Mỹ đang cố gắng cung cấp LNG cho châu Âu. Nhưng tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng, LNG của Mỹ sẽ không bao giờ vượt được Nga vì giá khí đốt của Nga đang được chuyển tới châu Âu luôn rẻ hơn so với Mỹ. Chúng tôi cũng có vị thế địa lý thuận lợi hơn để xây dựng các đường ống vận chuyển khí đốt sang các nước láng giềng châu Âu. Chưa kể dự án đường ống Nord Stream - 2 và Turkish Stream chắc chắn sẽ sớm được xây dựng để tăng cường đưa khí đốt đến thị trường quan trọng”, ông Shmal nói. Đồng thời cũng cho biết hiện chi phí vận chuyển LNG từ quốc gia Bắc Mỹ đến châu Âu vẫn còn rất cao và đòi hỏi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khá lớn.
tin liên quan
Đức sẵn sàng trả gấp đôi để mua khí đốt Mỹ nhằm tránh phụ thuộc NgaĐức muốn giải quyết việc thiếu hụt khí đốt bằng cách nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ thay vì kết nối với Nga.
Bình luận (0)