Khi em trai không vâng lời

Câu chuyện của một gia đình, với chị gái là sinh viên học ở xa còn em trai út ở quê nhà với ba mẹ. Cô chị thương cha mẹ phải thỏa hiệp với "yêu sách" của cậu em, lo em nghiện game, cặp kè bạn xấu.

Câu chuyện của một gia đình, với chị gái là sinh viên học ở xa còn em trai út ở quê nhà với ba mẹ. Cô chị thương cha mẹ phải thỏa hiệp với "yêu sách" của cậu em, lo em nghiện game, cặp kè bạn xấu. 

* Bạn đọc hỏi:
Em là sinh viên, em có một cậu em trai út, năm nay đang học lớp 9. Em ấy tuy học không giỏi nhưng rất thông minh và giỏi trong lĩnh vực máy tính, điện thoại, nhưng dạo gần đây không hiểu vì lý do gì em nói với ba má là “con không muốn đi học nữa”.

Cô chị, sinh viên đang học ở xa, lo em trai va vấp khi chơi với bạn xấu, nghiện game... - Ảnh minh họa: chụp màn hình trang Vice  
Sau một thời gian nghe ba má khuyên thì em cũng đi học lại bình thường, nhưng không hiểu sao cách đây mấy ngày em có nghe tin từ ba má là em ấy bỏ nhà đi 3 ngày, ba má đi tìm mấy hôm mới gặp. Hiện nay em ấy đã về nhà và đòi ba má phải mua cho em bằng được một chiếc máy tính, tuy nhà không có tiền nhưng ba má vì sợ em bỏ nhà đi theo mấy đứa bạn xấu rồi xảy ra chuyện gì nên cũng đi vay và xoay xở mua cho. Em sợ rằng, nó lại chơi game rồi ảnh hưởng đến học hành. 
Quê em ở Quảng Ngãi, em hiện giờ đang học ở đây nhưng nghe ba má gọi điện thoại khóc em thấy rất thương ba má, nhưng cũng không biết phải làm như thế nào? Xin cô cho em xin một vài lời khuyên, em phải làm như thế nào để có thể giúp em mình trở lại như trước ngoan, nghe lời ba má đây ạ?
* TS tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương trả lời: 
Cô cảm thấy em thật sự rất thương yêu gia đình, thương yêu ba mẹ và cả em trai em nữa. Qua email của em, cô hình dung sự lo lắng, băn khoăn của em và em cũng có cảm giác việc ba mẹ em mua máy tính cho em trai chỉ là biện pháp tạm thời, còn về lâu dài dường như cũng chưa phải là giải pháp bền vững.
Hiện nay, em lại không ở cạnh em trai em thường xuyên. Do vậy, để em có những tác động trực tiếp đến em trai không nhiều, em lo lắng về sự tương tác của ba mẹ em đến em trai em không hiệu quả, như lời khuyên, như việc dạy bảo...
Thật ra, cô cũng không hiểu hết được chuyện của gia đình em và không rõ được mọi việc đã/đang ở mức độ nào. Vì vậy, cô chỉ có thể đề xuất với em một số ý như sau:
- Em trao đổi với ba mẹ em về nỗi lo lắng của em, ví dụ như: Con cảm thấy băn khoăn vì không biết nên làm gì giúp ba má và con biết ba má cũng rất lo lắng cho em trai...
Cũng như trò chuyện với em của em như: Chị cứ nghĩ về chuyện nên làm gì để chị yên tâm khi nghĩ về em mà chưa được, chị không biết nên bắt đầu từ đâu để em được tốt hơn và gia đình ta được tốt hơn...
- Em cân nhắc về thời gian em ấy sử dụng máy tính (vì nếu nghiện game thì cần có lộ trình hỗ trợ riêng) và em có thể nói một vài câu với em trai, ví dụ: Em nghĩ thế nào nếu em cân nhắc về thời gian sử dụng máy tính, vì chị rất sợ, mặc dù chị không dám nghĩ đến nhưng nhỡ việc em dùng máy quá nhiều có liên quan đến nghiện game như người ta vẫn hay nói trên tivi...
Và nếu được, em cũng có thể nói: Hãy cho chị biết chị nên làm gì để giúp em...
Nếu có thể, cô gặp thêm em thì mới trao đổi thêm được em nhé.
Mọi thắc mắc cần được tư vấn, giải đáp, bạn đọc có thể gửi thư về cho chuyên mục qua địa chỉ: VPĐD Báo Thanh Niên tại miền Trung, 144 Bạch Đằng, TP.Đà Nẵng hoặc địa chỉ Email: [email protected]
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.