Khi giảng viên 'thực tập' ở doanh nghiệp

31/08/2022 07:45 GMT+7

Giảng viên đến doanh nghiệp cập nhật kỹ năng nghề , người ở doanh nghiệp vào trường giảng dạy cho sinh viên...

Sự phối hợp này giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực, còn trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong đó, người hưởng lợi nhiều nhất chính là sinh viên (SV).

Giảng viên Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2 trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp

VÕ VĂN LONG

4 - 8 tuần thực tế để tìm hiểu công nghệ mới

Hằng năm, hàng trăm giảng viên của Trường CĐ Công thương TP.HCM lại rời giảng đường, tỏa đi khắp các doanh nghiệp để tham gia 8 tuần thực tế. Tiến sĩ Bùi Mạnh Tuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đưa giảng viên xuống doanh nghiệp để tìm hiểu công nghệ mới, trải nghiệm quy trình sản xuất thực tế, đồng thời hướng dẫn SV thực tập ngay tại doanh nghiệp. Đây là hoạt động rất cần thiết và quan trọng giúp giảng viên cập nhật được kiến thức thực tế, các kỹ năng mới của môn học và ngành nghề mà mình đang giảng dạy, từ đó truyền đạt lại cho SV, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế”.

Tại Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, giảng viên sẽ tự sắp xếp thời gian rồi đăng ký danh sách, trường sẽ làm việc với các doanh nghiệp để tiếp nhận giảng viên. Thạc sĩ Phạm Quang Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Quá trình này thực sự hiệu quả đối với giảng viên, đặc biệt là thầy cô dạy thực hành các ngành kỹ thuật và nghiệp vụ. Những trải nghiệm thực tiễn này của thầy cô giúp cho tiết học sinh động, hấp dẫn và cập nhật được nhiều nội dung mới vào bài giảng”.

Trong khi đó, giảng viên của Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, lại đến doanh nghiệp theo từng mô-đun mà nhà trường và doanh nghiệp cùng soạn thảo. Việc này diễn ra thường xuyên và liên tục chứ không chỉ trong 4 tuần như quy định của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cũng cho hay mỗi năm giảng viên của trường có ít nhất 1 tháng “học tập và làm việc” tại doanh nghiệp. “Doanh nghiệp sẽ có những khóa đào tạo kỹ năng và công nghệ mới cho giảng viên các ngành như công nghệ ô tô, điện - điện tử, cơ khí… để thầy cô nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề, rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế”, tiến sĩ Lộc chia sẻ.

Nhà trường và doanh nghiệp cùng phối hợp đào tạo

Theo thạc sĩ Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, hiện nay trường xây dựng mô hình đào tạo phối hợp với doanh nghiệp được điều chỉnh từ mô hình kép trước đó, giúp “3 bên cùng có lợi”.

Khó khăn nhất là phải đáp ứng những tiêu chuẩn "thiếu thực tế"?

Theo đại diện các trường CĐ và trung cấp, sắp tới sẽ khó khăn khi mới đây Bộ LĐ-TB-XH đưa ra dự thảo thông tư quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với người đào tạo là người của doanh nghiệp với những tiêu chuẩn "thiếu thực tế".

Theo đó, người của doanh nghiệp muốn tham gia đào tạo lý thuyết bậc CĐ phải có bằng cử nhân phù hợp với ngành nghề giảng dạy và có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giảng dạy, muốn đào tạo thực hành phải có bằng tốt nghiệp CĐ hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3... Bậc trung cấp các môn lý thuyết yêu cầu người dạy có bằng cử nhân phù hợp với ngành nghề giảng dạy và có 3 năm kinh nghiệm làm việc, môn thực hành thì có bằng tốt nghiệp CĐ hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2... Ngoài ra phải đáp ứng trình độ nghiệp vụ sư phạm như có chứng chỉ kỹ năng dạy học, lập được kế hoạch giảng dạy môn học, mô-đun được phân công trên cơ sở chương trình, kế hoạch đào tạo của cả khóa học...

Từ khó khăn này, thạc sĩ Vũ Văn Đông, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, đề xuất: “Nên chăng các quy định này cần linh động hơn, chẳng hạn ở học phần nào cần có doanh nghiệp tham gia thì giảng viên của trường và người của doanh nghiệp cùng phối hợp, một bên có tay nghề, một bên có nghiệp vụ sư phạm, chắc chắn chất lượng đào tạo vẫn được đảm bảo”.

“Không chỉ tiếp nhận SV, giảng viên của trường đi thực tập, thực tế, mà doanh nghiệp còn tham gia với nhà trường ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo và sát hạch. Trong số hơn 30 doanh nghiệp liên kết với trường, mỗi doanh nghiệp cử 4 - 5 người học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề quốc gia để đáp ứng đủ điều kiện do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quy định đối với người của doanh nghiệp muốn tham gia giảng dạy”, thạc sĩ Cường bổ sung.

Ông Cường cho rằng mô hình này giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực cho mình, còn SV thì ngay từ năm 2 đã được doanh nghiệp trả phụ cấp 2 - 3 triệu đồng/tháng khi đi thực tập, thậm chí được trả thêm lương khi tham gia sản xuất; sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng ngay. Còn nhà trường thì rõ ràng nâng cao được chất lượng đào tạo.

Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng nhiều năm qua cũng phối hợp đào tạo cùng Công ty TNHH Schindler Việt Nam ở các ngành như điều khiển và tự động hóa, cơ khí, điện - điện tử, cơ điện tử... với các môn học do trường và doanh nghiệp cùng xây dựng. SV học chương trình này vừa không phải đóng học phí vừa được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.