Khi giáo viên cùng đá cầu, đá bóng với học sinh

06/10/2022 08:19 GMT+7

Rút ngắn khoảng cách, hạn chế những né tránh, sợ sệt mà thay vào đó bằng sự gần gũi, hòa đồng nhưng vẫn đầy sự kính trọng là cách mà giáo viên cùng học sinh đang xây dựng trong môi trường học đường.

“Cô mình đỉnh quá” !

Những ngày gần đây, hình ảnh hai cô giáo mặc áo dài tham gia trò chơi đá cầu cùng học trò trên sân trường đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm ngàn thành viên là học sinh (HS), phụ huynh HS trên các diễn đàn mạng xã hội.

Ngay khi hình ảnh trận đá cầu này được đăng tải trên diễn đàn HS thì Thanh Thảo, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đã thể hiện sự hãnh diện: “Cô giáo trường mình đó”, hay những HS khác thì vui mừng khoe: “Cô mình đỉnh quá”, “Giáo viên (GV) trường mình chất quá”… Còn HS trường khác thì hào hứng: “Cô cũng phải “cháy” chứ” và kèm những mong muốn: “Ước gì cô mình cũng như vậy!”…

Hình ảnh hai cô giáo tham gia đá cầu cùng học trò Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM) khiến học sinh thích thú

NVCC

Tương tự, vào giờ ra chơi, sân Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) thường xuyên diễn ra các trận đá bóng, bóng chuyền. Thầy giáo Hà Minh Sơn, tổ toán của trường, luôn là cầu thủ nhiệt tình và năng nổ trong đội bóng với các thành viên là học trò của mình. Không còn những khoảng cách, ngại ngần, trong các trận đấu GV và HS cùng nhau kiến tạo những pha tranh chấp để đến cầu môn của đối phương với tinh thần vui vẻ, hòa đồng.

Ngoài những hoạt động thể dục, thể thao, nhiều GV lại chọn cách chia sẻ, gợi mở những ý tưởng, suy nghĩ của HS trên các trang mạng xã hội.

Là GV nổi tiếng với việc xây dựng những dự án học tập môn lịch sử gắn kiến thức với đời sống, trước mỗi hoạt động, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) luôn chia sẻ và kêu gọi học trò đóng góp ý kiến. Trên cơ sở tôn trọng các góc nhìn của HS, thầy bàn bạc đưa ra một nội dung thống nhất. Từ đó, học trò luôn mạnh dạn trao đổi, bày tỏ quan điểm với thầy không chỉ trong học tập mà còn là “thủ lĩnh tinh thần” sẵn sàng “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.

Giáo viên chủ động rút ngắn khoảng cách

Cô Hoàng Thị Vinh, một trong hai GV của Trường THPT Đào Sơn Tây tham gia đá cầu với HS, chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên: “Khá bất ngờ khi được chính học trò cho hay hình ảnh vui chơi với các bạn ấy đã được lan tỏa trên mạng”. Cô Vinh nói thêm: “Bản thân là người yêu thích thể thao và không khí vui vẻ. Ngoài ra, cứ thấy giờ ra chơi hay thời gian rảnh là HS tập trung xem điện thoại nên tôi chủ động rủ các em xuống sân đá cầu. Khi thấy cô chủ động “xin chơi” cùng nên các em cũng đã giảm bớt sự ngại ngùng, thoải mái giao lưu, giải tỏa áp lực sau những tiết học căng thẳng”.

Tự nhận mình là người chủ động vượt qua rào cản trước quan niệm GV là phải nghiêm khắc, nghiêm nghị, phải có giới hạn với học trò, cô Hoàng Thị Vinh nói rằng: “Ngoài là cô giáo trong mỗi tiết dạy, tôi muốn là người bạn với học trò của mình”. Cô Vinh giải thích thêm: “Ở độ tuổi đang lớn, đang trưởng thành thì chỉ có thân thiện, gần gũi mới có thể tác động tâm lý theo hướng tích cực. Cô và trò sẽ thoải mái trao đổi với nhau, từ học hành cho đến quan điểm sống”. Tuy nhiên cô Vinh cũng lưu ý khi đã gần gũi và thân thiện thì cũng cần tế nhị giáo dục HS, không phải thấy gần gũi quá mà “cá mè một lứa”. Trong môi trường giáo dục, ranh giới giữa thầy và trò là sự kính trọng chứ không phải là sự hà khắc, khắt khe.

Còn thầy Hà Minh Sơn cũng nói, lứa tuổi HS bây giờ, tâm lý khác ngày xưa rất nhiều. Giờ đây các em có điều kiện tiếp cận với thế giới hiện đại, văn minh và được tạo quyền chủ động trong các hoạt động từ gia đình, xã hội. Thế nên GV còn giữ nguyên quan niệm về khoảng cách thì không gần được HS. Có những HS, đôi khi ở nhà không có sự gần gũi với cha mẹ, không tâm sự với cha mẹ nhưng lại tâm sự với thầy cô. Nên thầy cô phải là người mà học trò tin tưởng, cảm thấy có thể gửi niềm tin để chia sẻ. Từ đó, chính GV phải chủ động rút ngắn khoảng cách để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, hỗ trợ trong học tập, trong sự phát triển của cá nhân.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du cũng nhìn nhận, khi khoảng cách không còn là rào cản thì sự thoải mái, hiệu ứng tích cực sẽ đến từ hai phía. Học trò xem GV là idol (thần tượng), là chỗ dựa vững chắc giúp đỡ các em vượt qua khó khăn từ học tập đến rèn luyện nhân cách. GV gần gũi với học trò sẽ nắm bắt được những tâm tư của các em, từ đó sẽ có những phương pháp giáo dục mới tiếp cận với thế hệ HS mới. Từ đó cũng giúp GV không lạc hậu trước sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.