Người chuyên cung cấp vóc để họa sĩ vẽ sơn mài từ chối không cung cấp hàng cho CAT do khổ tranh cô yêu cầu quá lớn.
"Tôi muốn đặt vóc khổ 1,8 × 2,4 m. Tuy nhiên, nhà cung cấp nói không được, khổ này quá lớn họ không làm bao giờ. Sau đó, tôi phải mất nhiều thời gian thuyết phục. Bức tranh của tôi ghép từ 4 tấm vóc như thế", CAT tâm sự.
Là con gái của nghệ sĩ sơn mài nổi tiếng Bùi Mai Hiên, CAT học kỹ thuật sơn mài từ chính mẹ mình, nhưng cũng có những phá cách cho thỏa mong muốn sáng tác riêng.
Tác phẩm "quá khổ" của CAT sau cùng cũng hoàn thành, là bức tranh chủ đạo của triển lãm American now - Nước Mỹ bây giờ (từ 22.5 - 21.6 tại MetaReverse Art Gallery, D1-24 phố Đào Hinh, Hà Nội). Bức tranh về nước Mỹ, nơi CAT đã theo học ngành… tài chính nhiều năm, có kích cỡ siêu lớn 3,6 × 4,8 m và nặng 250 kg.
Trong suốt thời gian sáng tác, cô hầu như ở trong tư thế lao người về phía trước để với tới mọi góc trên tranh. Thậm chí, phải tới khi dựng và ghép xong tranh mới biết tác phẩm của mình thế nào. "Vẽ trong tư thế gần như treo người đòi hỏi thể lực lớn", CAT nói.
Màu sắc của tranh cũng vô cùng rực rỡ và biến ảo. CAT cho biết, với tác phẩm cỡ lớn này, cô chịu ảnh hưởng của danh họa Jackson Pollock (Mỹ). Trong quá trình vẽ, cô dùng kỹ thuật đổ màu, để thể hiện sự tự do, phóng khoáng, tinh thần đặc trưng của nước Mỹ và con người Mỹ.
"Series mới thuộc dòng tranh ý niệm, trừu tượng vì không thể cắt nghĩa nhưng cũng không nằm trong bất kỳ trường phái nào đã được định nghĩa", CAT tâm sự.
Nếu như sơn mài vẫn được hình dung với những mảng màu trầm, với sự điềm đạm quyền uy của sắc vàng son hay nền trắng vỏ trứng thì với CAT điều này khác hẳn. Tác phẩm rực rỡ, với nhiều nét vẽ chi tiết. Nó cũng gợi đến những biến đổi về màu trong tranh sơn mài của họa sĩ nổi tiếng Trịnh Tuân. Ông Tuân có những mảng màu xanh, tím rất lôi cuốn và phi truyền thống trong các tác phẩm sơn mài. Ông cũng vẽ sơn mài với khổ lớn đều đặn.
Việc phá giới hạn của sơn mài thoạt tiên bắt đầu từ mong muốn của nghệ sĩ. Tuy nhiên, nó đòi hỏi việc nghiên cứu và sáng tác trên chất liệu truyền thống này. Là một giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, họa sĩ Trịnh Tuân có nhiều nghiên cứu sơn mài từ góc độ nghề thủ công để áp dụng cho tác phẩm. Còn CAT, tuy mới bén duyên sơn mài nhưng lại được thừa hưởng hướng dẫn kỹ thuật của họa sĩ Bùi Mai Hiên. Sau cùng, những tinh thần này cho ra đời nhiều tác phẩm đẹp đẽ, cũng phá vỡ giới hạn mà nghệ sĩ và công chúng đã "đóng khung" sơn mài.
Bình luận (0)