Khi học sinh 'quên' tiếng Việt

08/07/2024 06:03 GMT+7

Chị N.H, trú Q.7, TP.HCM phải chi mỗi tháng vài triệu đồng cho 2 con trai (8 tuổi và 11 tuổi) của mình - là người Việt - để học thêm… tiếng Việt.

"Tôi rất hoảng khi hai đứa ở nhà cãi nhau bằng tiếng Anh, nói với bà ngoại bằng tiếng Việt lơ lớ, còn khi ra đường đọc biển quảng cáo tiếng Việt đều bằng thanh ngang", chị N.H cho hay.

KHÓ KHĂN TRONG GIAO TIẾP BẰNG TIẾNG MẸ ĐẺ

Các con của chị N.H đều học các trường quốc tế tại TP.HCM từ bậc mầm non. Ông bà nội của 2 bé đều định cư ở nước ngoài, do đó vợ chồng chị muốn chuẩn bị cho con đi định cư. Dù vậy, khi thấy 2 bé trai gặp khó khăn trong cả 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết tiếng Việt, chị N.H phải khẩn trương cho con học thêm tiếng Việt.

Các phụ huynh là người Việt 100%, bạn bè của chị N.H cũng chung tình cảnh như chị. Các con từ sáng tới chiều học ở trường quốc tế, từ chiều tới tối lại đi học thêm tiếng Việt vì nhiều em gặp khó khăn trong giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Chị N.H chia sẻ: "Sang nước ngoài rồi thì cả ngày "tắm" trong tiếng Anh nên không giỏi cũng phải giỏi, cơ hội được dùng tiếng Việt ít hơn khi các con ở VN. Nhưng người Việt mà quên tiếng Việt thì mất gốc, không giữ được văn hóa dân tộc mình".

Khi học sinh 'quên' tiếng Việt- Ảnh 1.

Trẻ mẫu giáo trong giờ làm quen tiếng Việt. Giỏi tiếng Việt còn là giữ gìn văn hóa, nguồn gốc, bản sắc dân tộc mình

THÚY HẰNG

Phó hiệu trưởng một trường phổ thông ngoài công lập ở Q.7, TP.HCM cho hay ông từng lắng nghe tâm sự một người cha về vấn đề làm sao tìm được giáo viên kèm cặp tiếng Việt cho con trai anh, khi đó học lớp 8. Gia đình luôn mong con được học tiếng Anh càng sớm càng tốt, cháu được học toàn bộ với giáo viên người nước ngoài từ mầm non cho tới hết bậc tiểu học, vào THCS. Thời gian về nhà, con cũng được luyện thêm tiếng Anh cùng gia sư, cha mẹ bận bịu công việc ít khi nói chuyện, trao đổi với con bằng tiếng Việt. Và kết quả là cậu học sinh lớp 8 có thể đọc vanh vách nhiều cuốn sách bằng tiếng Anh nhưng giao tiếp với ông bà chỉ gật gật đầu, thích ăn đồ tây, không thích ăn món Việt và chỉ thích chơi cùng các bạn cũng nói tiếng Anh, học trường nói tiếng Anh như mình.

MÔN HỌC YẾU: tIẾNG VIỆT

Anh Lê Hoàng Phong, nhà sáng lập và giám đốc học thuật Tổ chức Giáo dục và đào tạo Your-E, từng là giáo viên chương trình Teach for Vietnam, kể nhiều năm trước anh nhận lời làm gia sư tiếng Anh cho một số bạn học sinh lớp 6, 7 thuộc một trường quốc tế tại Q.Bình Thạnh. "Ba mẹ các bạn muốn tôi dạy kèm tiếng Anh, nhưng tới nơi, tôi nhận ra các bạn sử dụng tiếng Anh rất tốt và môn các bạn yếu hơn chính là tiếng Việt. Học sinh đều có ba mẹ người VN, nhưng khả năng đọc - hiểu tiếng Việt chỉ ở mức rất căn bản", anh Phong kể.

TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, cố vấn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông cho các trường ngoài công lập ở VN, kể với PV Thanh Niên chị từng đưa ra lời khuyên cho một cặp vợ chồng khi con lớn của anh chị học trung học ở VN nhưng "quên" tiếng Việt. Họ nhận ra mình đã sai lầm khi để con không giao tiếp tiếng Việt khi về nhà, để mặc con gần như sử dụng 100% tiếng Anh trong mọi sinh hoạt, học tập.

"Gia đình họ chuẩn bị đi định cư. Tôi khuyên họ nên cho con út 6 tuổi, sắp vào lớp 1 hoặc học song ngữ hoặc chương trình VN 100%. Vợ chồng anh chị đều là Th.S, TS, sang định cư nước ngoài thì con giỏi tiếng Anh mấy hồi, nhưng sang đó sẽ khó có thể học tiếng Việt nữa. Sau này anh chị mới thấy cái khổ là con cái không nói được tiếng Việt. Việc mình là người Việt nhưng không nói được tiếng Việt là điều rất đáng buồn, vì mất hẳn đi một đặc điểm quan trọng để nhận diện mình là người Việt", TS Huyền kể.

Khi học sinh 'quên' tiếng Việt- Ảnh 2.

TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc và con gái. TS trẻ luôn chú trọng việc gìn giữ tiếng Việt cho con mình

NVCC


ĐỪNG ĐỔ LỖI VÌ GIỎI TIẾNG ANH NÊN "QUÊN" TIẾNG VIỆT

TS Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TP.HCM, cho biết ở góc độ khoa học thì việc học ngôn ngữ thứ hai, học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Ở những nước có tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai như Philippines, Malaysia…, hay những nước mà người dân sử dụng song ngữ, tam ngữ như nhiều quốc gia châu Âu thì việc một em nhỏ nói được 4 - 5 thứ tiếng là điều bình thường. Ở VN hiện nay, nhiều gia đình hiện đại cho con học ở các môi trường quốc tế, con đi học dùng tiếng Anh ở trường, về nhà thì dùng tiếng Việt. Hay nhiều gia đình ba hoặc mẹ là người Việt, người còn lại là người nước ngoài thì con cái dùng xen kẽ tiếng Việt và tiếng nước ngoài không phải là điều xa lạ.

"Cá nhân tôi khuyến khích trẻ em học ngoại ngữ sớm. Con gái tôi nói được 3 thứ tiếng, và phải luôn học tiếng Việt. Tôi từng có dịp sang Trường quốc tế Canada, Q.7. Khi ngồi đợi xe tới, tôi nghe học sinh nói chuyện với nhau bằng giọng chuẩn Mỹ, khiến tôi tưởng như mình đang ở Mỹ vậy. Nhưng lát sau, bác bảo vệ tới, lũ trẻ trò chuyện với bác bằng tiếng Việt lễ phép. Các bạn có sự linh hoạt khi sử dụng ngôn ngữ. Nói như vậy để khẳng định không phải cứ giỏi tiếng Anh thì sẽ dở tiếng Việt và ngược lại", TS Lộc nói.

"Có người tôi biết không giỏi tiếng Anh nhưng tiếng Việt cũng "dở". Có người rất giỏi tiếng Anh và tiếng Việt cũng rất xuất sắc. Do đó, không thể đổ lỗi giỏi tiếng Anh là sẽ không thể giỏi tiếng Việt. Tiếng Việt còn đi kèm văn hóa. Giỏi tiếng Việt còn là giữ gìn văn hóa, nguồn gốc, bản sắc dân tộc mình. Do đó, việc "giữ tiếng Việt" là trách nhiệm của cá nhân học sinh, cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của các gia đình. Khi tôi sống, làm việc ở nước ngoài, tôi thấy nhiều gia đình gốc Việt rất có ý thức trong gìn giữ tiếng Việt với các con, ở ngoài con nói tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp… nhưng về nhà con dùng tiếng Việt để trò chuyện với ba mẹ, ông bà. Còn gia đình nào không có ý thức, nỗ lực về điều này thì dần dần con cháu quên tiếng Việt là điều dễ hiểu", TS Lộc trao đổi. (còn tiếp)

Đánh mất ngôn ngữ mẹ đẻ, có thể phải trả giá đắt

Chị Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật DOL English, nghiên cứu sinh tại ĐH Reading, Vương quốc Anh, cho biết hiện trạng nhiều người trẻ VN siêu tiếng Anh nhưng "quên" tiếng Việt phổ biến và cũng là hệ quả bình thường của việc học ngôn ngữ. Ngôn ngữ là thực thể sống nên không dùng sẽ dẫn đến mất đi, ngay cả là người Việt, sinh ra ở VN nhưng chỉ giao tiếp bằng tiếng Anh thì dần dần vẫn mất đi tiếng Việt.

"Tiếng Anh chỉ là công cụ, không phải đích đến, trừ khi bạn muốn theo chuyên ngành giảng dạy và nghiên cứu về tiếng Anh. Đúng là có tiếng Anh sẽ hỗ trợ nhiều trong công việc nhưng thiếu kiến thức chuyên ngành thì cũng không thể thành công. Ngoài ra nếu làm việc trong môi trường VN mà không giỏi tiếng Việt thì bất lợi nhiều hơn lợi ích. Ngay cả người nước ngoài tới VN cũng muốn học tiếng Việt để hòa nhập, thì tại sao người Việt lại tự lấy đi khả năng nói tiếng Việt của con em mình?", chị Như Quỳnh nêu vấn đề.

Anh Lê Hoàng Phong nhìn nhận hiện đang có một bộ phận phụ huynh "sùng bái" tiếng Anh, nghĩ cứ giỏi tiếng Anh thì là công dân toàn cầu, là thành công, đổi đời.

"Nhiều trường hợp bạn trẻ người VN ra nước ngoài và gặp khủng hoảng. Bạn có thể nói tốt tiếng Anh nhưng không thuộc về cộng đồng người Mỹ, người châu Âu, không thể bàn luận sôi nổi cùng họ về văn hóa, lịch sử Mỹ, châu Âu. Bên ngoài, bạn là hình hài người Việt, quốc tịch VN, nhưng bạn không thể nói tiếng Việt, kể chuyện về văn hóa, bản sắc VN. Vậy thì bạn trẻ đó thuộc về cộng đồng nào?", anh Lê Hoàng Phong đặt vấn đề.

Anh thẳng thắn nêu quan điểm: "Tiếng Anh là công cụ kết nối, giao thương, tiếng Anh mở ra những cơ hội trong làn sóng toàn cầu hóa nhưng không phải có tiếng Anh là có tất cả. Và nếu chỉ giỏi tiếng Anh thôi và đánh mất ngôn ngữ mẹ đẻ của mình thì mất đi văn hóa, nguồn cội, mất đi bản sắc dân tộc, có thể phải trả giá rất đắt".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.