Khi học sinh xuống đồng

25/12/2019 09:29 GMT+7

Ngoài kiến thức trong nhà trường, học sinh (HS) ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Lệ Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) còn được hướng dẫn làm ruộng.

Để có ruộng thực hành, trường phối hợp với UBND xã Mai Thủy “xin” được hơn 1.000 m² (2 sào) ruộng lúa ở cạnh trường. Từ đó, thửa ruộng trở thành “ruộng học” của HS lớp 8, lớp 9.
Sáng chủ nhật gần cuối tháng 10, HS của trường lại nô nức đi làm ruộng để gieo vụ mới. Tôi có mặt tại trường cũng vừa lúc các em tay cuốc tay cào đi thành tốp từ khu nội trú của trường ra. Ruộng ở ngay trước trường nên di chuyển không quá vất vả. Đất đã được máy bừa từ chiều hôm trước, giờ các HS chỉ phải cào rãnh thoát nước xung quanh bờ, san đều những chỗ trũng. Em nào cũng hăng say làm dưới sự đồng hành, hướng dẫn của giáo viên và nhân viên cấp dưỡng.
Lúa nước hoàn toàn mới lạ đối với HS vùng cao. Vì thế, kỹ thuật từ làm đất, tháo nước, ngâm ruộng, gieo sạ, dặm lúa, thu hoạch... đều phải do giáo viên hướng dẫn. Trong khi HS lớp 8, lớp 9 làm ruộng thì ở trên bờ, các em lớp nhỏ hơn dọn vệ sinh môi trường xung quanh. Xong phần đất, các em vào trường bưng lúa giống ra gieo sạ. Sau cùng là phần việc của giáo viên, họ phải gieo lại cho đều.
Thầy hiệu trưởng Lê Văn Bình cho hay đến vụ thu hoạch, không khí còn rộn ràng hơn. Thời điểm thu hoạch, trời mùa hè nắng nóng oi nồng nên các em phải tranh thủ ra đồng gặt khi trời còn chưa nắng. Cả thửa ruộng rôm rả tiếng cười nói. Các HS lớp nhỏ thì đi “mót” lúa. Thầy trò gặt xong, máy đến tuốt lúa ngay tại chỗ; các công đoạn sau đó như chuyển lúa lên máy, phơi thóc đều do các HS thực hiện. Thành quả là những bao lúa vàng rộm.
“Ngoài việc dạy trồng lúa nước, nhà trường đã tận dụng tất cả những diện tích đất còn lại trong khuôn viên để hướng dẫn HS trồng rau xanh như bí, cải, muống hạt, khoai lang… Tất cả những sản phẩm từ lúa, rau xanh đều được đưa vào nhà bếp chế biến phục vụ cho chính các em trong các bữa ăn”, thầy Bình tâm sự. Chính vì cách đào tạo thiết thực như thế, hằng năm ước tính có trên 50% HS tốt nghiệp THCS được tuyển về học tại trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh; những em còn lại được phân luồng học nghề, hoặc trở về địa phương lao động sản xuất. Đa phần cựu HS của trường phát huy được kỹ năng sản xuất, giúp bản làng xóa đói, giảm nghèo. Không ít em trở thành cán bộ chủ chốt tại địa phương.
Năm học 2018 - 2019, trường được UBND tỉnh công nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu cấp học các trường vùng khó khăn toàn tỉnh lần thứ ba; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 2 năm học 2017 - 2018 và 2018 - 2019… Năm học 2019 - 2020, trường bắt tay ngay vào xây dựng mô hình mới: mô hình vườn sim, thực hiện đề án bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Bru Vân Kiều...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.