Với giá bán 75.000đ/tô, có thể tạm gọi hủ tiếu Nam Vang Hồng Phát là "món sang" |
Hủ tiếu ở Sài Gòn, đặc biệt là hủ tiếu Nam Vang, chưa bao giờ được thừa nhận là một "món sang". Trong suốt lịch sử hình thành của mình, món ngon này được xem như một lựa chọn phổ biến, gần gũi mà mọi giới đều có thể thưởng thức được.
Vào những ngày cuối tháng Tư này, ngưỡng giá một tô hủ tiếu Nam Vang ăn được ở Sài Gòn nằm trong khoảng từ 25.000đ đến 40.000đ. Nếu thành phần "hùng hậu" hơn (nhiều tim, gan, cật, tôm...) như kiểu hủ tiếu Nhân Quán thì ngoài 50.000đ một chút.
Cọng hủ tiếu dai trong hủ tiếu Nam Vang là một biến thể thú vị từ những người Mẫn Nam (Phúc Kiến) trong giai đoạn di cư về phía những nước Đông Nam Á, với bột gạo là nguyên liệu chính. Do không có nguyên liệu làm mì, họ đã dùng nguyên liệu tại chỗ là gạo để chế sợi thay cho mì (từ đầu thế kỷ trước 3 nước Đông Dương đã là một vựa gạo khổng lồ với sản lượng xuất khẩu lên đến 1.5 triệu tấn hàng năm).
Như ở Campuchia hủ tiếu được gọi là "kuy teav", ở Việt Nam gọi là "hủ tiếu", ở Thái Lan là "kuai tiao" cũng như các nước lân cận Malaysia, Singapore và Brunei gọi là "kway teow" (nhưng lại là cọng hủ tiếu mềm).
Phần hỗn hợp tôm khô, hành phi, hành lá và thịt bằm gần như chiếm trọn bề mặt tô hủ tiếu nước |
Nếu như phiên bản hủ tiếu Nam Vang được cho là nấu trong Hoàng cung Campuchia của Ty Lum (góc Nguyễn Trãi - Huỳnh Mẫn Đạt) cũng chỉ dừng ở mức 50.000đ, thì quả thật phải trả 75.000đ cho một tô hủ tiếu ở quán Hồng Phát là quá mắc. Nhưng nhìn thực khách lũ lượt kéo về đây từ sáng sớm đến tối mịt, thì chắc hẳn phải có một lý do nào đó về tô hủ tiếu "sang" này.
Bên cạnh thành phần khá hùng hậu như tôm loại ngon, tim, gan, cật... thì cái quyến rũ thực khách nằm ở chỗ "hỗn hợp" ăn kèm (có thể tạm gọi là "nhưn" như trong mì Quảng), bao gồm tôm khô, hành phi, hành lá và thịt bằm. Tô hủ tiếu khô hay nước khi dọn ra thì phần nhưn này luôn gây chú ý đầu tiên, đặc biệt là hủ tiếu nước khi nó chiếm trọn toàn bộ bề mặt. Vớt ngay muỗng đầu tiên có thể cảm nhận ngay vị ngọt được nấu từ xương ống, mực khô... cũng như sự hài hòa của hỗn hợp nhưn. Một hương vị có lẽ là độc nhất ở Sài Gòn. Và đảm bảo bạn sẽ ăn đến muỗng cuối cùng cho đáng "đồng tiền bát gạo".
Huyết thường thấy nhiều nhất ở các tiệm cháo lòng hay bún riêu bánh canh, mì... nhưng trong hủ tiếu Nam Vang thì có lẽ chỉ có ở Hồng Phát |
Cũng sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến món huyết ăn kèm. Huyết thường thấy nhiều nhất ở các tiệm cháo lòng hay bún riêu, bánh canh, mì... nhưng trong hủ tiếu Nam Vang thì có lẽ chỉ là quán này. Thường thì trong tô khô hay nước đã có sẵn một miếng huyết rồi, nhưng để cho đã thèm tôi nghĩ nên kêu thêm hẳn một chén ăn thêm. Vị ngọt dịu thẩm thấu từ nước lèo chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Phàm khi đã gắn mác "sang" lên một món ăn vốn dĩ được xem là bình dân như hủ tiếu Nam Vang, sự kỳ vọng cũng tỉ lệ thuận theo. Và tôi tin bạn sẽ hài lòng dù phải chi ra nhiều hơn, bởi những thứ là duy nhất luôn có giá trị của nó. Như đôi khi tôi vẫn phải trả gấp đôi cho một dĩa cơm dừa Nasi Lemak trong cái quán nhỏ lụp xụp không máy lạnh gần khu Katong - Singapore, hay cho dĩa gỏi đu đủ Som Tam cạnh chợ trời Chatuchak ở Bangkok...
P.V
Hủ tiếu Nam Vang - Hồng Phát
389 - 391 Võ Văn Tần, phường 05, quận 03
Mở cửa: 6h sáng đến 12h đêm
Giá: Hủ tiếu Nam Vang (75.000đ/tô), huyết (20.000đ/chén)
Bình luận (0)