Trước đó, dấu tích thương tổn của dân tộc này đã là một nguồn chất liệu quan trọng dệt nên Kinh thánh Cựu ước, khởi nguyên của một truyền thống tôn giáo lấy lưu đày làm đại cảnh nhân sinh để chia sẻ kinh nghiệm cứu rỗi.
Trên phương diện chính trị và lịch sử quốc gia, có vẻ như nỗi đau Do Thái đã được khỏa lấp bởi những bài học về ý chí, tinh thần vượt trội, kiến tạo giá trị phát triển, nhưng trong văn chương nghệ thuật, như cách trình bày có màu sắc bi đát của Kertész Imre - nhà văn Hungary, tác giả cuốn Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời - thì sự suy vong không nằm ở nạn diệt chủng quá khứ, mà vẫn đang xâm lấn về phía tương lai bằng một nhận thức tận thế nằm sẵn trong tinh thần tự hủy của những con người lưu xứ, bị tước bỏ gốc rễ.
Về điều này, gần như là một lời nguyền ghim sâu trong căn tính, là lực vô hình đưa đẩy một “giống dân” (theo ngôn từ Thánh kinh) trở thành biểu tượng của nhân loại lạc lối, xiêu tán, đứng trước bờ vực hư vô.
Một lời nguyền từ lai lịch, đó cũng là ý tưởng tổng thể làm nên cuốn tiểu thuyết Một dòng họ Do Thái của nhà văn Camille de Toledo (tựa gốc: Thésée, sa vie nouvelle) - tác phẩm gây chú ý tại Pháp trong năm 2020 - ngay lúc đại dịch bắt đầu gieo rắc tai ương. Bằng lối viết đậm màu sắc dòng ý thức, Camille de Toledo đã đặt người đọc vào một cuộc hành trình khắc khoải của nhân vật Theseus, trong cuộc chiến vượt lên bóng đen quá khứ, chiến đấu với chính bóng đen ký ức dòng dõi mình.
Theseus cùng các con bỏ lại Paris để đi về phía đông, hướng đến Berlin, nơi anh nghĩ mình sẽ được tự do, đoạn tuyệt với nỗi ám ảnh quá khứ của một “dòng họ của quên lãng và chết chóc” mà mình được sinh ra và trưởng thành. Trong cuộc trốn chạy đó, thật phi lý, chính anh lại mang theo 3 cái thùng đựng những thư tịch, bản thảo của dòng họ. Ba thùng “hồ sơ dòng họ” này như một hộp đen ký ức, làm âm vang những bước thiên di của người Do Thái trong thăm thẳm huyền sử: Những nhóm người xiêu tán và lưu vong luôn cõng trên vai là những hòm bia ghi chép giao ước và ký ức dòng tộc.
Với Theseus, Paris là một địa-lý-ký-ức, nơi mà vào năm 1908, hai anh em trai của cụ cố Talmai từ đế quốc Ottoman đã đặt chân đến. Những người nhập cư trưởng thành từ trường học Liên minh Do Thái này đã tìm cách để trở thành người Pháp thực thụ bằng phấn đấu sự nghiệp và kể cả mang thân ra trận trong Thế chiến thứ nhất tuân theo lý tưởng bảo vệ tiến bộ, tự do, bình đẳng. Một lai lịch Pháp ngỡ được viết lại từ đó, bằng xương máu dấn thân và tinh thần cống hiến. Thậm chí, hình ảnh rạng rỡ của những “công dân Paris đã rửa sạch dấu vết Do Thái” còn được xây lên từ sau cuộc chiến với sự mở mang kinh doanh trong một “liên minh” giữa thời đại mới đầy hão huyền những năm 1950 - 1960. Cuối cùng tất cả chỉ là vỏ bọc che đậy những cuộc khủng hoảng và vết nứt trong phả hệ: những cuộc tự sát khó hiểu xảy ra, những sự vỡ mộng được che đậy bằng các vở diễn êm ấm tầm thường, và gần nhất là Jérôme - anh trai của Theseus - đã rơi vào khủng hoảng và chọn cách treo cổ.
Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng tình cảnh một người cha phải tự tay tháo dây thừng khỏi thi thể người con vừa treo cổ. “Ai đã giết một kẻ tự sát?”, câu hỏi ấy như một bí mật, một nỗi ám ảnh tăm tối, một bi khúc buồn thảm vọng lên từ những dòng sầu thi len lỏi giữa câu chuyện kể miên man mà Theseus ghi lại từ “hòm bia ký ức” của gia đình.
Anh có chạy thoát được quá khứ lai lịch của mình hay không trong cuộc xê dịch về không gian địa lý? Câu hỏi ấy còn treo trong tâm tưởng người đọc đến cuối tác phẩm. Nhưng điều mà có lẽ Camille de Toledo, cũng như Kertész Imre bằng cách này hay cách khác khiến độc giả phản tư, đó chính là phải chăng con người chẳng thể ngăn được những đám mây từ quá khứ bay mãi về bầu trời tương lai. Và phải chăng trong mỗi bản thể người, ngoài phạm trù ký ức thuộc về tinh thần, thì còn có một thứ khác: Ký ức của cốt nhục. Đó chính là lời nguyền sâu thẳm không thôi đeo đẳng một phận người, dù là Do Thái hay là một “giống dân” nào khác đang hãnh tiến vào tương lai, quay lưng với quá khứ trong thế giới hiện đại đầy những cuộc dịch chuyển này.
Cuốn tiểu thuyết từng vào chung khảo giải Goncourt này là một tác phẩm đa tuyến, văn bản không ngắt câu, phân đoạn rõ ràng; xen giữa câu chuyện là một bài thơ sầu muộn khiến cho mọi chi, nhánh câu chuyện như là kết quả của một khảo sát, đâm xuyên qua các khoảng tối ẩn mật.
Đọc, tức là lần lối như cách chính ta lần mối, tự vấn chính lai lịch của mình.
(Đọc Một dòng họ Do Thái, tiểu thuyết của Camille de Toledo, Thuận dịch, Phanbook & NXB Hội Nhà văn, 2022)
Bình luận (0)