Khi một lời chúc, 'tag' vài chục người !

02/12/2018 08:16 GMT+7

Thời công nghệ, người ta dễ dàng có thể đăng một vài lời chúc, rồi “tag” (chia sẻ) một lúc cả vài chục người. Nhanh và hiện đại thật đấy, nhưng người nhận không phải ai cũng vui...

Những lời chúc ảo
Những lá thư tay chan chứa yêu thương
Trong ngăn tủ của mình, chị Hoàng Khánh Linh (36 tuổi, chủ quán cà phê tại Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cất giữ hàng trăm lá thư tay, những mẩu giấy nhắn, những tấm thiệp tự tay con gái Lê Hoàng Khánh Vy (9 tuổi) của mình làm tặng bố mẹ. Không phải dịp sinh nhật hay lễ tết Vy mới viết thư cho bố mẹ, có thể trong giờ nghỉ trưa, thấy nhớ bố mẹ, muốn cảm ơn hay xin lỗi bố mẹ, cô bé đều nắn nót viết, sau đó để vào một nơi nào bố mẹ dễ thấy nhất.
Theo chị Linh, trong xã hội hiện đại không gì vui bằng khi vẫn nhận được những lá thư tay chan chứa yêu thương của con. “Không phải cha mẹ chỉ dạy con, ngược lại, chúng tôi học được từ con gái cách bày tỏ tình cảm với những người bên cạnh mình. Tôi viết thư lại cho con, để dưới gối đầu giường để sáng ra con có thể đọc. Tôi cũng viết thư cho mẹ tôi, người già khi nhận được thư tay mừng và xúc động vô cùng”, chị Linh nói.
Cô giáo N.T (39 tuổi, Trường THCS Tân Tạo A, TP.HCM) còn chạnh lòng hơn, khi vào ngày 20.11, cô thấy tên mình được “tag” vào rất nhiều những lời chúc vui, khỏe, công tác tốt... trên Facebook, cùng tên của nhiều đồng nghiệp khác.
“Có thể các bạn bây giờ hiện đại quá, tôi lỗi thời, nhưng vẫn thấy cách làm này không tôn trọng giáo viên. Thay vì gõ cửa từng nhà, trân trọng hỏi thăm, việc của các bạn như đang phát loa công cộng nhắc tên các cô, thầy để chúc”, cô T. nói.
Chị Dương Hồng Thắm (32 tuổi, làm hoa và hộp quà handmade kinh doanh dịp lễ tết, trú đường Phan Văn Hớn, Q.12, TP.HCM) chia sẻ: “Những lời chúc ảo quá dễ dàng, ai cũng có thể làm nên chẳng thể phân biệt đâu là xã giao, đâu là thật lòng. Tặng một món quà, hay viết một lá thư, gửi một tin nhắn, dù câu từ không cầu kỳ, nhưng cho thấy có sự dụng công, sẽ ở lâu trong tim người nhận hơn”.
Một ngày trước khi sinh nhật tuổi 32, chị Trần Kim Anh (trú đường Lê Quang Kim, Q.8, TP.HCM) đã cài đặt Facebook để người khác không thể viết lên “tường” nhà mình. Nói về lý do, chị Kim Anh thở dài: “Có đến vài chục người, cả quen cả lạ cứ viết những lời chúc chung chung như “sinh nhật vui vẻ”, đính kèm hình giỏ hoa, bánh kem và thiệp mừng “ảo”. Thế nhưng, rất hiếm một người bạn nào gọi điện riêng, hay nhắn một cái tin thân tình đủ để hiểu bạn thật sự quan tâm tới mình”.
Đường lâu không đi, đường đầy cỏ dại
Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho hay: “Trong thời đại công nghệ mọi thứ trở nên nhanh chóng - dễ dàng - tiện lợi, chúng ta nên tận dụng tính ưu việt này củng cố và duy trì các mối quan hệ với mọi người. Chẳng hạn như thỉnh thoảng chủ động nhắn tin, video call, gửi thư điện tử hỏi thăm sức khỏe, trao đổi thông tin hay sẻ chia buồn vui cùng nhau...”.
Tuy nhiên, thạc sĩ An nhấn mạnh: “Chúng ta phải đủ tỉnh táo, sáng suốt để phân biệt giữa “ảo” và “thực” để có cách hành xử, sự quan tâm tiến bộ, văn minh và hợp thời. Cụ thể nên cẩn trọng trước mỗi lời phát ngôn để tránh gây tổn thương, xúc phạm đến người khác, nên “đặt mình vào hoàn cảnh của người khác” để hiểu đối phương. Để quan tâm đến một ai đó, nên có thiện chí, chân thành và hơn hết là tránh tình trạng “Đường lâu không đi, đường đầy cỏ dại. Người không qua lại, người thành người dưng”.
Còn Lê Ngọc Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Nếu bạn thật sự muốn gửi lời chúc tới một ai đó vào ngày lễ tết, có thể gửi qua mạng xã hội cũng được, nhưng tôi nghĩ hãy gửi riêng cho cá nhân họ, với những câu hỏi thăm thân tình, chứ không chúc bâng quơ rồi tag tên”.
Một cách rất lịch sự, khi tận dụng công nghệ để chúc mừng nhau cũng được khá nhiều bạn trẻ áp dụng hiện nay, như trường hợp của Nguyễn Trọng Hà (29 tuổi, làm việc tại Q.3, TP.HCM) chẳng hạn. Trọng Hà cho biết: “Tôi tận dụng công nghệ để bày tỏ sự quan tâm tới bạn gái của mình, như là đặt dịch vụ gửi hoa tới nhà bất ngờ, giữa đêm đặt trà sữa hay món ăn cô ấy thích... dù tôi ở TP.HCM cô ấy ở Hà Nội, không phải gặp nhau lúc nào cũng được”.
Tự làm thiệp tặng thầy cô
Trước ngày lễ 20.11, chúng tôi tới Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thấy các nhóm sinh viên đang miệt mài tự tay làm những tấm thiệp tặng các thầy cô từ giấy, bút màu. Lê Ngọc Anh, sinh viên năm 2 ngành sư phạm ngữ văn, chia sẻ: “Mỗi thầy cô nhận được một tấm thiệp riêng, với những lời chúc không lẫn với ai khác để thầy cô mỉm cười và thấy mình được quan tâm khi đọc được, ví dụ: Em chúc cô hát thật nhiều để chúng em được nghe; Cô ơi một ngày nào đó em sẽ tặng cô một con mèo nhé…”.
Còn cô Nguyễn Phạm Thùy Trang, giáo viên tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhận được bức tranh vẽ chân dung mình theo phong cách chibi (nhân vật tí hon nhưng đáng yêu) bao mệt mỏi trong ngày tan biến. “Đó là một cô bé luôn ngồi cuối lớp, cứ tan học em chạy tới chỗ tôi và đưa vào tay tôi tấm hình giống hệt tôi của ngày hôm nay, tóc thế nào, áo màu gì, như diễn viên hoạt hình rất dễ thương. Không nói ra, nhưng tôi biết cô học trò đó yêu thương mình như thế nào”, cô Thùy Trang nói

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.