Theo phương pháp nuôi cấy vi khuẩn, một xét nghiệm để biết bệnh nhân có kháng thuốc kháng sinh hay không sẽ phải mất 2 ngày. Nhưng PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (ĐHQG TP.HCM), đã nghiên cứu ra loại kit cho kết quả ngay trên mẫu lâm sàng. Kết quả này không chỉ giúp chỉnh phác đồ, mà còn có thể giúp cách ly bệnh nhân sớm để không ảnh hưởng bệnh nhân khác.
PGS-TS Thu Hoài là một trong những phụ nữ được trao Giải thưởng Phụ nữ VN 2024 của Quỹ Giải thưởng Tài năng nữ VN. Bà đã có 82 công trình nghiên cứu khoa học được công bố, trong đó có nhiều nghiên cứu về hệ protein (proteomics) và kháng thuốc. Những nghiên cứu này, đặt trong bối cảnh kháng kháng sinh là vấn đề y tế nghiêm trọng, thậm chí ước tính đến năm 2050 có thể gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm, nếu không có can thiệp hiệu quả.
Trong một chia sẻ cách đây nhiều năm, PGS-TS Thu Hoài cho biết người Việt, đặc biệt phụ nữ Việt, rất dẻo dai, bền bỉ, cần cù, sáng tạo, không ngại khó… "Chỉ cần phát triển đúng thế mạnh của bản thân, nhất định sẽ có những đóng góp hữu ích và tỏa sáng theo cách của riêng mình", bà nói.
Phát triển bản thân dường như là câu chuyện đang được nói tới nhiều hơn. Danh sách Giải thưởng Phụ nữ VN 2024 cũng cho thấy sự phát triển bản thân của phụ nữ tại VN đang mang lại thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Với PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài là miễn dịch với kỹ thuật hiện đại, với các nhà nghiên cứu ở Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia là các nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển công nghiệp văn hóa, với TS Hà Thị Thanh Hương (đồng nghiệp của bà Hoài) là phần mềm chẩn đoán Alzheimer cũng như nghiên cứu não để giảm stress…
Cùng lúc, tại Hội sách Frankfrurt 2024, bà Hạnh Nguyễn-Schwanke và Thái Bảo Trâm (đồng sáng lập NXB HORAMI) nhận giải thưởng NXB Đức do Bộ VH-TT CHLB Đức trao tặng. NXB của họ là NXB đầu tiên đem đến những tác phẩm văn học song ngữ Đức - Việt cho cộng đồng người Việt tại Đức, Thụy Sĩ và Áo.
Mẫu số chung của những người phụ nữ này là sự tận tâm, kiên cường và kiên trì theo đuổi con đường mình chọn. Phần nào đó, thành công của họ cũng đang thu hẹp lại khoảng cách giới tại VN. PGS-TS Thu Hoài cho biết bà được sự hậu thuẫn của gia đình. Bà cũng tin tưởng phụ nữ hoàn toàn có thể nắm vị trí chủ chốt trong các ngành khoa học định hình tương lai thế giới.
Rõ ràng, việc tạo ra "hậu thuẫn" cho phụ nữ không chỉ giúp họ thành công, mà còn thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ở VN, số lượng giờ lao động của phụ nữ đang nhiều hơn nam giới và nhiều hơn do số lượng giờ làm việc nhà. Vì thế, tạo ra các cơ chế để chia sẻ gánh nặng việc nhà, tăng cơ hội phát triển bản thân là hướng điều hòa xã hội nên thúc đẩy. Với những cá nhân truyền cảm hứng như PGS-TS Thu Hoài, TS Hà Thị Thanh Hương…, cơ hội có thêm những người thành công như họ, có tầm ảnh hưởng như họ là hoàn toàn có thể.
Bình luận (0)