Khi múa rối nước mà không ngâm mình dưới nước

27/12/2019 09:10 GMT+7

Thí sinh tham gia cuộc thi Điều khiển robot múa rối nước năm 2019 của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dùng ứng dụng công nghệ hiện đại để điều khiển nhưng không làm mất đi nét đặc trưng của bộ môn nghệ thuật này.

Vẫn là những con rối nước truyền thống nhưng phía sau tấm rèm không có một nghệ nhân nào điều khiển. Thay vào đó là những sinh viên (SV) đang chăm chú lập trình, điều khiển từ xa. Dẫu vậy, các con rối vẫn rất sinh động, vui nhộn và hấp dẫn.
Vượt qua 54 đội từ sơ khảo đến chung cuộc với những câu chuyện đầy ý nghĩa như: Sự tích cây vú sữa, chọi trâu, sự tích Hồ Gươm..., nhóm của Võ Thành Sơn, khoa cơ khí chế tạo máy trường này, đã giành chiến thắng thuyết phục với tiết mục Sơn tinh - Thủy tinh tranh chiến trong đêm cung kết ngày 24.12 vừa qua.
Võ Thanh Sơn chia sẻ: “Múa rối nước là nghệ thuật dân gian của Việt Nam nhưng đang bị mai một dần. Nghệ thuật này sử dụng các con rối di chuyển trên một mặt hồ, được các nghệ nhân điều khiển để tạo thành vở kịch. Nếu ứng dụng tốt các kỹ thuật của bọn em vào thì việc điều khiển con rối được cải tiến nhiều hơn, các nghệ nhân không phải ngâm mình dưới nước nữa”.
Robot của nhóm Thanh Sơn có thể ứng dụng vào thực tiễn cho các nghệ nhân vì robot có khả năng di chuyển hồ này sang hồ khác, giúp việc điều khiển dễ dàng hơn. “Nghệ nhân có thể sử dụng điện thoại để điều khiển. Về hiệu ứng, nghệ nhân chọn đèn LED sáng nhấp nháy hay thay pháo bằng phun lửa”, Thanh Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Trường Thịnh, trưởng khoa cơ khí chế tạo máy của trường, cho biết tổ chức cuộc thi là mong muốn SV hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống của đất nước, đồng thời làm sao lồng ghép được kiến thức vào văn hóa dân tộc để từ đó SV ứng dụng được kiến thức đã học vào trong thực tế. “Vấn đề nan giải nhất là làm sao biến những máy móc này trở thành bàn tay con người với những hoạt động linh hoạt, mềm mại”, ông Thịnh chia sẻ.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.