Như Thanh Niên đã thông tin, Washington vừa qua đã điều động máy bay tình báo, do thám và trinh sát (ISR) đến căn cứ ở Nhật Bản để hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Đây là khí tài thuộc lực lượng lục quân Mỹ. Đầu tháng 8, tướng James C.McConville, Tham mưu trưởng lục quân Mỹ, tiết lộ Washington đang phát triển các hệ thống tên lửa tấn công tàu chiến để ứng phó Trung Quốc ở khu vực Indo-Pacific, trong đó có Biển Đông.
Mỹ, Hàn Quốc khai mạc tập trận chungYonhap đưa tin Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu tập trận chung từ ngày 18.8 với quy mô giảm hơn so với trước do đại dịch Covid-19.
Cuộc tập trận mô phỏng trên máy tính sẽ kéo dài đến ngày 28.8 và là cuộc tập trận lớn đầu tiên giữa 2 nước trong năm nay, sau khi cuộc tập trận thường niên vào mùa xuân bị hủy vì Covid-19. Phần đầu cuộc tập trận kéo dài đến ngày 22.8 sẽ tập trung vào khả năng bảo vệ Hàn Quốc trước mô phỏng tấn công từ CHDCND Triều Tiên, trước khi phần thứ 2 mô phỏng phản công sẽ diễn ra từ ngày 24 - 28.8.
Ban đầu, cuộc tập trận dự kiến khai mạc ngày 16.8, nhưng đã
dời lại sau khi một sĩ quan Hàn Quốc dương tính với SARS-CoV-2. Một phát ngôn viên quân đội
Hàn Quốc cho hay tất cả quân nhân tiếp xúc gần với sĩ quan trên đều âm tính và phía Hàn Quốc đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho những người tham gia.
Khánh An
|
Như vậy, Washington đã điều động cả 4 quân chủng (lục quân, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến) đến khu vực này nhằm đáp ứng chiến lược Indo-Pacific hòa bình và rộng mở - mà mục tiêu là ứng phó với Bắc Kinh.
Ngày 18.8, trả lời Thanh Niên, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) phân tích: “Việc Mỹ gần đây rút lục quân ra khỏi Đức khiến Washington phải tìm kiếm một địa điểm mới để triển khai lực lượng này. Việc đưa lực lượng lục quân rời khỏi Đức đến một số vùng lãnh thổ của Mỹ cũng là một chọn lựa. Bên cạnh đó, tình hình của Indo-Pacific hiện nay với sự gia tăng căng thẳng liên quan Trung Quốc thì cũng rất phù hợp để Mỹ tăng cường lục quân hiện diện ở khu vực này”.
Đúng như vậy, trong bài viết trên tờ The Wall Street Journal cuối tháng 6, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien nhấn mạnh: “Để chống lại hai đối thủ Trung Quốc và Nga, quân đội Mỹ sẽ phải triển khai các lực lượng ở nước ngoài theo hướng tiến bộ và viễn chinh hơn so với những năm gần đây”.
Tuy nhiên, GS Sato cũng nhận định Mỹ khó điều chuyển lực lượng lục quân quy mô lớn đến khu vực. “Bối cảnh của châu Âu và Indo-Pacific khá khác nhau nên cũng sẽ khác nhau về quy mô triển khai. Khó có quốc gia nào ở Indo-Pacific có chung biên giới với Trung Quốc muốn tiếp nhận lực lượng lục quân của Mỹ. Các nước khác ở Đông Nam Á hay Nhật Bản (có biên giới chung trên biển với Trung Quốc) cũng không muốn có sự hiện diện của lục quân Mỹ ở quy mô lớn”, ông nói.
Mặc dù nhận định Mỹ khó điều động lực lượng lục quân với quy mô lớn đến Indo-Pacific, nhưng GS Sato đánh giá khi tập trung 4 quân chủng đến khu vực mang ý nghĩa lớn.
“Sự phân chia nhiệm vụ tác chiến truyền thống giữa 4 quân chủng không còn phù hợp. Việc tổ chức hoạt động tổng hợp và chỉ huy của quân đội Mỹ giờ đây đã làm mờ nhạt sự phân chia nhiệm vụ như trên. Gần đây, Mỹ điều động máy bay ISR đến căn cứ ở Nhật Bản. Việc điều động này là một cách thức hoàn hảo để lục quân khẳng định vai trò mới trong chiến lược tăng cường hoạt động của Mỹ ở Indo-Pacific nhằm đối trọng với Trung Quốc”, GS Sato đánh giá.
Tương tự, TS James R.Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) đánh giá: “Mỹ đang muốn tái cân bằng quân sự ở khu vực tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chính xác thì cả 4 quân chủng của Mỹ vốn đã hiện diện ở Thái Bình Dương từ thế kỷ 19. Thực chất, ngược dòng lịch sử thì không quân là một phần của lục quân, và chỉ tách rời từ năm 1947”.
“Điểm mới ở đây là lục quân và không quân của Mỹ đang thể hiện vai trò ngày càng thực chất hơn ở Indo-Pacific. Vai trò đó ngay cả trên biển và để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và thực tế trong lịch sử quân đội Mỹ, lục quân đổ bộ lên đảo nhiều hơn là thủy quân lục chiến”, TS Holmes nhận định.
Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii (Mỹ) về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: “Triển khai cả 4 quân chủng đến tây Thái Bình Dương nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực, nhằm phản ứng các hành vi của Trung Quốc đối với những nước lân cận. Mặc dù tổng số lực lượng không thay đổi đáng kể, nhưng việc phối hợp cả 4 quân chủng giúp gia tăng đáng kể sức mạnh cũng như tính sẵn sàng chiến đấu. Trước đây, Washington chỉ triển khai chiến hạm hoặc máy bay chiến đấu hoạt động riêng biệt ở khu vực này, chứ cả máy bay lẫn chiến hạm từng ít khi hoạt động cùng lúc. Thì nay, cách hoạt động đang thay đổi, sẵn sàng phản ứng tổng lực”.
Theo ông Schuster, đối với khu vực, việc Mỹ điều động cả 4 quân chủng cho thấy Washington đang theo dõi tình hình chặt chẽ hơn, sẵn sàng một kế hoạch phản ứng linh hoạt và nhanh chóng. Vì thế, trước khi có hành vi gây hấn, Trung Quốc phải trù liệu phản ứng của Mỹ.
Về phản ứng của Trung Quốc, cựu đại tá Schuster dự báo: “Trước các hoạt động trên của Washington, Bắc Kinh có thể sẽ củng cố các đơn vị ở các cơ sở mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. Điển hình như gần đây Bắc Kinh đã đưa máy bay chiến đấu đến đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc có lẽ sẽ sớm tổ chức tập trận tổng lực với sự tham gia của nhiều quân chủng”.
Bình luận (0)