Vài ngày qua, một số chuyên trang quân sự loan tin Mỹ vừa điều động máy bay tình báo, do thám và trinh sát (ISR) đến căn cứ ở Nhật Bản để hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Theo đó, máy bay này được phát triển từ dòng chuyên cơ Challenger 600 của Hãng Bombadier. Các thông tin chính thức từ phía quân đội Mỹ chưa lên tiếng về điều này.
Trong khi đó, các ứng dụng theo dõi hoạt động hàng không cho thấy 1 máy bay ISR của lục quân Mỹ đã đến Nhật và có một số hoạt động tại khu vực lân cận. Nếu như thế, máy bay ISR của lục quân Mỹ đang hoạt động “sát nách” Trung Quốc và có thể mở rộng cả khu vực Indo-Pacific, bao gồm Biển Đông.
Phát triển nhóm chỉ huy chung
Ngày 15.8, nhận định với Thanh Niên về diễn biến trên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) phân tích: Trong chiến tranh hiện đại, khả năng nhanh chóng phát hiện, xác định và nhắm mục tiêu các mối đe dọa có ý nghĩa then chốt quyết định thắng thua. Quân đội ngày nay cần thu thập thông tin ở phạm vi rộng hơn rất nhiều so với trước đây.
“Ở Thái Bình Dương, với sự hiện diện của máy bay ISR, lục quân có thể hỗ trợ hải quân khi tạo ra trung tâm tích hợp gần như tức thì đất đối đất, chống hạm và các hệ thống phòng thủ tên lửa. Việc tích hợp này có thể cộng lực từ nhiều lực lượng của Mỹ và đồng minh trong khu vực Indo-Pacific, trong đó có Biển Đông. Các nền tảng trinh sát và tình báo trên không đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin ở mức sát với thời gian thực”, cựu đại tá Schuster cho biết và dự báo: “Từ đó, lục quân Mỹ có thể hướng đến phát triển nhóm chỉ huy chung ở Indo-Pacific”.
Sở chỉ huy tác chiến trên không
Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho biết: “Máy bay ISR là phương tiện quan trọng để chỉ huy và kiểm soát hoạt động quân sự, bởi có thể dễ dàng thu thập thông tin của đối phương lẫn đồng minh. Máy bay ISR là công cụ hoàn hảo từ trên không để đáp ứng nhu cầu hoạt động quân sự ở mặt đất”.
Theo TS Nagao, với các quốc gia khác, việc vận hành máy bay ISR gặp nhiều khó khăn nếu không có ưu thế trên không, còn Mỹ có lực lượng không quân hùng mạnh nên dễ dàng hoạt động. Và với năng lực tổng hợp thông tin, định vị mục tiêu và tổ chức phối hợp tác chiến thì máy bay ISR được xem như một “sở chỉ huy tác chiến” trên không.
TS Nagao phân tích khu vực Indo-Pacific vốn hầu hết là khu vực biển và đảo nên lực lượng lục quân bị hạn chế hoạt động. Nhưng lục quân Mỹ gần đây thể hiện một vai trò lớn hơn ở khu vực này bằng những cách thức mới. Về bản chất thì lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ lâu nay vận hành nhiều loại khí tài, vũ khí giống nhau như xe tăng, xe bọc thép, pháo… Điều này thể hiện khá rõ ở các chiến trường như Iraq, Afghanistan. Tuy nhiên, ở Indo-Pacific thì các phương tiện như thế lại khó phát huy tác dụng và quá nặng nề để triển khai.
“Kết quả là cả thủy quân lục chiến lẫn lục quân Mỹ đang thay đổi đối sách ở Indo-Pacific. Bằng chứng là hai lực lượng này đang hướng đến sử dụng tên lửa hành trình và các loại tên lửa tầm xa. Thực tế, bộ binh vẫn chiếm ưu thế về năng lực tấn công chiếm đảo”, TS Nagao bình luận.
Ông phân tích thêm rằng việc triển khai máy bay ISR giúp cho lục quân thể hiện tốt hơn vai trò trên biển, nhằm chiếm ưu thế trinh sát và chỉ huy từ trên cao. “Loại máy bay này còn được hỗ trợ bởi nhiều máy bay trinh sát không người lái mà Washington đã điều động đến Indo-Pacific, nên có thể tạo ra mạng lưới phối hợp chỉ huy tác chiến nhằm “chỉ điểm” và định hướng cho tên lửa tấn công ở cấp độ chính xác cao”, ông Nagao đánh giá.
Thực tế, đầu tháng này, tướng lục quân Mỹ James C.McConville tiết lộ nước này đang phát triển các hệ thống tên lửa tấn công tàu chiến để ứng phó Trung Quốc ở Indo-Pacific, trong đó có Biển Đông.
Như vậy, sau khi điều động hải quân, không quân và cả các hoạt động của thủy quân lục chiến, Mỹ đang bổ sung thêm lục quân đến Indo-Pacific để đối phó Trung Quốc.
Đài Loan ký thỏa thuận mua 66 chiến đấu cơ F-16
Bloomberg hôm qua dẫn một nguồn thạo tin xác nhận Đài Loan đã chính thức ký thỏa thuận mua 66 chiến đấu cơ F-16 thuộc mẫu tiên tiến nhất do tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin sản xuất.
Thông tin này được đưa sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 14.8 thông báo trao cho Lockheed Martin một hợp đồng sản xuất phiên bản mới của F-16 để xuất khẩu trong 10 năm, với tổng trị giá 62 tỉ USD. Theo đó, 90 chiếc F-16 đầu tiên sẽ được sản xuất tại nhà máy của Lockheed Martin ở bang Nam Carolina và Texas và dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2026. Lầu Năm Góc không nói rõ 90 chiếc F-16 nói trên sản xuất cho đối tác nào, nhưng một nguồn tin sau đó xác nhận đó là Đài Loan và Ma Rốc. Trong đó, Ma Rốc mua 24 chiếc.
Thông tin trên đánh dấu lần đầu tiên Đài Loan mua được chiến đấu cơ tiên tiến của Mỹ kể từ khi Tổng thống George H.W.Bush thông báo phê chuẩn gói bán 150 chiếc F-16 cho vùng lãnh thổ này vào năm 1992.
Cùng ngày 14.8, Hãng tin CNA đưa tin Viện Nghiên cứu khoa học và công nghệ Trung Sơn (Đài Loan) tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa trong các ngày 13, 14, 17 và 18.8. Hiện chưa có thông tin chi tiết về những loại tên lửa được thử.
Minh Trung
|
Tàu sân bay Mỹ diễn tập ở Biển Đông
Hải quân Mỹ hôm qua thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan quay trở lại Biển Đông ngày 14.8 và tiến hành hoạt động diễn tập trên biển nhằm “hỗ trợ duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (ảnh).
Nhóm tác chiến tàu sân bay này gồm có tàu sân bay USS Ronald Reagan, không đoàn số 5, tuần dương hạm USS Antietam cùng 2 khu trục hạm USS Mustin và USS Rafael Peralta. Trong tháng trước, nhóm tác chiến tàu sân bay Ronald Reagan đã tập trận chung với nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz hai lần ở Biển Đông.
Văn Khoa
|
Bình luận (0)