Khi nam giới bị bạo lực gia đình: Người trong cuộc nói gì?

06/06/2024 06:00 GMT+7

"Tôi cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhất là bị bạo lực về tinh thần và kinh tế. Vợ thường xuyên buông ra những câu từ khó nghe. Hành vi ấy cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày khiến tôi bị stress kinh khủng", anh Đ.N.M (32 tuổi), làm việc trong một công ty bao bì nhựa ở Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM, kể.

Theo thống kê, năm 2023, có hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình, với hơn 3.200 vụ. Trong đó, có 565 nạn nhân là nam giới, tăng nhiều hơn so với năm 2022. Số liệu về tình trạng bạo lực gia đình này do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023 vào sáng 22.5 vừa qua.

"Chắc chắn có nhiều nạn nhân"

Theo thạc sĩ tâm lý Huỳnh Quang Thái, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM, khi trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, cần phải báo tin, tố giác về hành vi ấy với những địa chỉ tiếp nhận như: tổ dân phố, UBND địa phương, cơ quan công an hay liên hệ tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình

"Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều nạn nhân nam giới với tâm lý ngại ngùng, không dám kể, phản ánh. Họ cắn răng chịu đựng và chấp nhận sống chung với bạo lực gia đình", anh Thái nói.

Khi nam giới bị bạo lực gia đình: Người trong cuộc nói gì?- Ảnh 1.

Anh N.C.T kể nhiều lần bị vợ bạo lực thân thể vì làm công việc không có thu nhập cao

THANH NAM

Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi nhiều ông chồng ta thán việc đã phải "chín bỏ làm mười" khi bị vợ có những hành vi bạo lực gia đình. Họ không muốn tâm sự chuyện riêng tư gia đình cho người khác nghe cũng như sợ điều tiếng nếu phản ánh với cơ quan chức năng.

Trường hợp của anh Đ.N.M (32 tuổi) kể trên cho thấy việc nam giới bị bạo lực gia đình là rất nhiều trong cuộc sống. "Nhưng tôi cũng chỉ ngậm ngùi chịu đựng chứ chưa bao giờ phản ánh với bất kỳ cơ quan chức năng nào. Tôi nghĩ rằng, nhiều người cũng như tôi. Và tôi tin, số lượng nạn nhân của bạo lực gia đình là nam giới chắc chắn nhiều", anh M. nói.

Anh L.P.Q (36 tuổi), làm việc tại Công ty may Quảng Việt, H.Củ Chi, TP.HCM, than vãn suốt 4 năm qua, kể từ khi lập gia đình, anh không được sống trong hạnh phúc. Lý do là vì… bị vợ chửi thường xuyên.

"Tôi làm gì thì cô ấy cũng không hài lòng. Lúc nào cũng chê bai tôi là vô tích sự. Thậm chí có khi còn lăng mạ, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của tôi. Bị bạo hành tinh thần liên tục như vậy nhưng tôi chẳng muốn làm rùm beng nên chỉ biết im lặng làm ngơ, "chịu trận". Và cũng vì con, nên tôi không muốn ly hôn", anh Q. tâm sự. Cũng theo người này: "Bạn bè tôi cũng có những người rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chỉ biết… sống chung với bạo lực gia đình".

Khi trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, cần phải báo tin, tố giác về hành vi ấy với những địa chỉ tiếp nhận như: tổ dân phố, UBND địa phương, cơ quan công an hay liên hệ tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình…

Thạc sĩ tâm lý Huỳnh Quang Thái, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM

Cả 4 hình thức

Theo định nghĩa, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Và theo một khảo sát của PV với 17 người chồng ở độ tuổi từ 25 - 35 tuổi, thì có 8 trong số đó thừa nhận đang là nạn nhân của bạo lực gia đình với những mức độ khác nhau.

Đáng chú ý, cả 8/8 người đều cho biết là nạn nhân của hành vi bạo lực tinh thần. Có 1/8 người là nạn nhân của hành vi bạo lực tình dục. 3/8 người thừa nhận họ bị bạo lực thể chất. Và 3/8 người ta thán bị bạo lực kinh tế. Điều đó có nghĩa là cả 4/4 hành vi bạo lực gia đình (thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế) đều không chừa nam giới.

"Đừng nghĩ là vợ không có những hành vi trực tiếp đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của chồng. Tôi từng bị vợ dùng quạt, chén, điều khiển ti vi ném vào người. Và có một lần cô ấy hành hung tôi", anh K.D.T (28 tuổi), ngụ tại đường Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nhớ lại.

Chung tình cảnh, anh N.C.T (34 tuổi), làm thợ xây, ngụ tại đường Đông Bắc, Q.12, TP.HCM, cho biết đã từng nhiều lần bị vợ đánh đập khi thu nhập mỗi ngày không đủ để trang trải cuộc sống.

Trên một nhóm dành cho nam giới tâm sự chuyện vợ chồng, thành viên L.C.K (ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết gặp "câu chuyện khó nói" là từng bị vợ bạo lực tình dục. Chính vì thế, K. rơi vào trạng thái bế tắc, trầm cảm suốt thời gian dài. "Chúng tôi đã ly hôn cách đây 4 tháng. Vợ giờ đã tìm được người mới", K. kể thêm về "cái kết" sau chuỗi ngày hứng chịu bạo lực gia đình.

Cũng trên nhóm này, thành viên T.V.T (ngụ tỉnh Tuyên Quang) cho biết do bị tai nạn lao động cách đây 2 năm nên gặp khó khăn trong cuộc sống thường nhật, không thể tự chăm sóc bản thân. Để rồi từ đó, T. bị vợ coi là "đồ ăn hại" cũng như sử dụng nhiều câu mang hàm ý kỳ thị và phân biệt đối xử. "Tôi bị vợ cô lập ngay trong nhà của mình", T. rầu rĩ.

Anh D.T.H (32 tuổi), ngụ đường Phạm Hữu Lầu, Q.7, TP.HCM, kể: "Tôi là nạn nhân của hành vi bạo lực kinh tế; dù mỗi tháng, với công việc ổn định, có thu nhập hơn 17 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ kiểm soát tất cả thu nhập ấy. Thẻ ATM của tôi, vợ cũng giữ. Mỗi lần tôi cần tiền để đổ xăng, đi cà phê với bạn bè, đều phải hỏi vợ, và nhận được cái bĩu môi "sao lại có thể loại chồng ăn bám đến vậy chứ?". Có thể không lâu nữa, chúng tôi sẽ ra tòa ly hôn". (còn tiếp)

Đón đọc kỳ 2: 'Đấng mày râu' cũng cần được bảo vệ

Chiếm tỷ lệ cao trong số nạn nhân bị bạo lực gia đình vẫn là nữ giới. Tuy nhiên, trước thực tế ngày càng nhiều thành viên thuộc "phái mạnh" trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình thì nam giới cũng cần được bảo vệ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.