Khi nào Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo?

02/07/2024 06:18 GMT+7

Đó là băn khoăn mà ngành lúa gạo VN đặt ra trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng 5% của Ấn Độ sắp tròn 1 năm. Bởi nếu "ông trùm gạo thế giới" dỡ bỏ lệnh cấm, giá gạo xuất khẩu nói chung có thể bị ảnh hưởng.

Vì sao giá gạo xuất khẩu giảm?

Tính đến cuối tháng 6, giá gạo trên thị trường thế giới đang hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), giá gạo thời gian gần đây có xu hướng giảm, hiện gạo 5% tấm của VN là 569 USD/tấn, Thái Lan là 597 USD/tấn và Pakistan là 581 USD/tấn. Cập nhật của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cũng cho thấy trong 1 tháng qua, giá gạo giảm khoảng 50 USD/tấn.

Tại vựa lúa ĐBSCL, nhiều nông dân đang thu hoạch vụ lúa hè thu. Do thời gian gần đây mưa nhiều nên công tác thu hoạch lúa gặp khó khăn trong việc phơi sấy và chất lượng cũng không tốt bằng vụ đông xuân. Thế nên giá gạo xuất khẩu giảm càng làm cho người trồng lúa thêm lo âu.

Khi nào Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo?- Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu của VN giảm vì tính mùa vụ

CÔNG HÂN

Là người nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phước Thành IV (Vĩnh Long), giải thích: "Giá gạo 5% tấm xuất khẩu hiện dao động từ 560 - 580 USD/tấn, còn gạo thơm từ 600 - 610 USD/tấn. Nếu so với giá gạo xuất khẩu vụ đông xuân thì đúng là giá vụ hè thu thấp hơn khoảng 50 USD/tấn, nhưng vẫn là mức giá rất tốt nếu so với vụ hè thu những năm trước. Không chỉ VN mà lúa gạo của các nước thu hoạch thời điểm này chất lượng cũng không tốt nên xu hướng chung là giá giảm. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt từ các khách hàng truyền thống, vẫn rất tốt".

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, bổ sung: Ngoài yếu tố mùa vụ thì việc vận chuyển gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Hiện tại VRICE và các doanh nghiệp có nhiều hợp đồng xuất khẩu nhưng không có tàu để giao hàng, đặc biệt là với các khách hàng ở xa. Nếu các tuyến gần đi trong khu vực Đông Nam Á, giá cước tàu chỉ tăng 5 - 7% thì các tuyến đi Trung Đông, châu Âu và châu Phi tăng từ 100 - 200%. Đáng nói, dù giá cước tăng nhưng việc đặt được tàu rất khó khăn, nên hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng và các nhà xuất khẩu cũng phải chia sẻ khó khăn với đối tác.

Bất chấp những tín hiệu trên, việc xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm về cơ bản vẫn thuận lợi. Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết, VN đã xuất khẩu gần 4,7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng và tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, nhờ giá xuất khẩu duy trì ở mức cao.

Mặt bằng giá gạo xuất khẩu đã tăng kể từ ngày 20.7.2023, khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng 5% tấm để đảm bảo an ninh lương thực và bình ổn giá gạo nội địa. Giá gạo 5% tấm của VN hiện tại cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60 USD/tấn; còn sản lượng xuất khẩu tăng mạnh ngay từ đầu năm và đạt con số cao kỷ lục. Chính vì vậy, hiện nay nhiều người lo lắng nếu Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thì hoạt động xuất khẩu gạo của VN có thể bị ảnh hưởng.

Gạo Việt không ảnh hưởng nhiều

Mang nỗi lo này tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, tất cả đều khẳng định, rất khó có câu trả lời chính xác vì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, đặc biệt là tính "khó lường" trong việc thực thi chính sách của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới. Những người thận trọng cho rằng lệnh cấm nếu được bãi bỏ cũng phải vào thời điểm tháng 10 - 11.2024. Một số khác nhận định lệnh cấm có thể kéo dài đến giữa năm 2025, thay vì dỡ bỏ hoàn toàn thì rất có thể sẽ là nới lỏng từng phần.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, phân tích: Dù có kho dự trữ khá lớn, nhưng Ấn Độ là nước đông dân nhất thế giới với trên 1,4 tỉ người nên áp lực về an ninh lương thực rất lớn. Một yếu tố khác là sản lượng lúa mì và khoai tây của nước này vừa qua cũng không được tốt do thời tiết bất lợi. Chính vì vậy, nếu Ấn Độ có ý định khôi phục chính sách xuất khẩu gạo bình thường như trước đây thì nhiều khả năng phải chờ đến khi đợt thu hoạch vụ kharif kết thúc. Kharif là vụ lúa lớn nhất trong năm ở Ấn Độ và thường kết thúc vào khoảng tháng 10 - 11.

Nếu Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thế giới tăng nên giá sẽ giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp đó khả năng họ sẽ xả kho dự trữ và bán gạo cho các thị trường truyền thống như châu Phi, Trung Đông, nên không ảnh hưởng nhiều đến các thị trường truyền thống của VN.

GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam

"Nếu Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thế giới tăng nên giá sẽ giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp đó khả năng họ sẽ xả kho dự trữ và bán gạo cho các thị trường truyền thống như châu Phi, Trung Đông, nên không ảnh hưởng nhiều đến các thị trường truyền thống của VN. Tuy nhiên, đây là giai đoạn nhạy cảm, chúng ta cũng không nên chủ quan. Tôi vừa có chuyến công tác từ Indonesia trở về, ở đó họ đang có nhu cầu lớn về gạo. Với dân số lên đến 280 triệu người, nhu cầu tiêu thụ gạo của Indonesia rất cao. Chúng ta cần chăm sóc tốt thị trường này và các thị trường truyền thống như Philippines hay Malaysia, và xây dựng tinh thần hợp tác lâu dài với các thị trường nhiều tiềm năng này", GS Bùi Chí Bửu nhận định.

Ở góc độ thương mại, ông Nguyễn Văn Thành tỏ ra thận trọng hơn khi dẫn phân tích và dự báo của một số chuyên gia về khả năng Ấn Độ sẽ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 10 năm nay. Nhưng từ nay đến lúc đó vẫn còn đến 3 tháng và chúng ta kịp tiêu thụ hết lúa hè thu. Còn cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo ở tất cả các nước đều tăng, nên cơ bản nếu Ấn Độ có bỏ lệnh cấm thì hoạt động xuất khẩu gạo của VN trong năm 2024 cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều. Bên cạnh đó, thị trường chính của VN là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…, không cùng phân khúc với Ấn Độ.

Còn ông Phan Văn Có nhận định: "Ấn Độ vẫn đang duy trì hoạt động xuất khẩu gạo trắng qua kênh chính phủ và đánh thuế các mặt hàng gạo đặc sản, gạo đồ. Thời gian qua, Ấn Độ cũng được lợi vì gạo xuất khẩu tăng giá và họ vẫn có nhu cầu bán gạo giá cao, nên có khả năng sẽ kéo dài lệnh cấm thêm một thời gian; và nếu có mở cũng sẽ mở từng phần để giữ giá nhằm tránh gây thiệt hại cho sản xuất trong nước".

Truyền thông quốc tế thông tin, mới đây Bộ trưởng Thực phẩm Ấn Độ xác nhận không có kế hoạch dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với gạo, đường hoặc lúa mì ngay lập tức. Một số nguyên nhân quan trọng được dẫn ra cho việc kéo dài các lệnh cấm, thứ nhất là kiểm soát giá trong nước; thứ hai nhằm đảm bảo nguồn cung gạo dồi dào và ổn định cho hơn 800 triệu người trong chương trình lương thực miễn phí; thứ ba là để ứng phó với những bất ổn khí hậu khi thời tiết chuyển từ El Nino sang La Nina. Và quan trọng hơn là chính phủ mới của Ấn Độ muốn duy trì sự ổn định thay vì gây nên các biến động thị trường.

Khi nào Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo?- Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.