Khi nào công an gửi giấy triệu tập?

10/03/2023 10:17 GMT+7

Việc công an triệu tập người dân lên làm việc nhằm mục đích thu thập, làm rõ thông tin, chứng cứ phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án. Người bị triệu tập cần xem kỹ lý do được nêu trong giấy triệu tập để xác định vai trò của mình.

Giấy triệu tập là gì?

Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11) quy định, giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự, nên chỉ cơ quan điều tra (CQĐT) hoặc cơ quan khác trong lực lượng công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, mới được sử dụng.

Khi nào thì công an gửi giấy triệu tập? - Ảnh 1.

Công an đang lấy lời khai đối với bị can trong vụ cướp ngân hàng ở Q.8, TP.HCM

NGỌC LÊ

Ngoài ra, việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục mà bộ luật Tố tụng hình sự quy định.

Khi nào công an gửi giấy triệu tập?

Giấy triệu tập bị can tại ngoại; giấy triệu tập hoặc giấy mời người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đến CQĐT làm việc, chỉ có giá trị làm việc trong một lần.

Trong tố tụng hình sự chỉ có điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán có thẩm quyền ký và sử dụng giấy triệu tập. Trong tố tụng dân sự, hành chính, chỉ có thẩm phán mới có thẩm quyền này. Nếu không phải là người tham gia tố tụng trong một vụ án/vụ việc cụ thể, công dân không thể bị triệu tập.

Nếu bị công an triệu tập vì một vụ án hình sự, người đó bắt buộc phải đến, nếu không có thể bị áp giải, dẫn giải.

Luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự (tức vụ án đã được khởi tố) có quyền triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Việc triệu tập hỏi cung, lấy lời khai phải theo kế hoạch đã được thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT phân công điều tra vụ án.

Nhận giấy triệu tập buộc phải có mặt

Theo điểm a, khoản 3, điều 60  bộ luật Tố tụng hình sự, bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã.

Bị hại cũng phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải.

Đối với nguyên đơn dân sự khi nhận được giấy triệu tập, phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo điểm a, khoản 3, điều 63 bộ luật Tố tụng hình sự.

Bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người định giá tài sản; người giám định, người phiên dịch phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự.

Giấy triệu tập phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can, giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Đối với người làm chứng, có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải theo điểm a, khoản 4, điều 66 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Với người bào chữa, điểm đ, khoản 2, điều 73 bộ luật Tố tụng hình sự nêu rõ phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa án; trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định thì phải có mặt theo yêu cầu của CQĐT, Viện kiểm sát.

Trên giấy triệu tập có thông tin gì?

LS Nguyễn Thị Minh Trang cho biết, theo điều 182 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, giấy triệu tập phải ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can, giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

"Như vậy, việc triệu tập chỉ được áp dụng với những người tham gia tố tụng vụ án hình sự. Người bị triệu tập cần phải xem kỹ lý do triệu tập được nêu trong văn bản để xác định mình có vai trò gì, liên quan ra sao trong vụ án", LS Trang nhấn mạnh.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.