"Vừa qua, tôi có chở mẹ đi công chứng cho vợ chồng tôi căn nhà. Công chứng viên yêu cầu tôi phải đưa mẹ đi khám sức khỏe, mang kết quả về cho họ xem. Tôi thấy mất thời gian và tốn kém không cần thiết.
Công chứng viên làm như vậy có đúng quy định không? Trong trường hợp công chứng, chứng thực những loại hồ sơ nào mới cần phải khám sức khỏe?", bạn đọc Phương Lam gửi thắc mắc đến Báo Thanh Niên.
Văn phòng công chứng tư vấn
Đại diện Văn phòng công chứng Nguyễn Thị Diễm Phương (Long An) tư vấn, khoản 5 Điều 40 luật Công chứng quy định, nếu có căn cứ cho rằng việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng… thì công chứng viên xác minh, yêu cầu giám định. Trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
Bên cạnh đó, Điều 19 Bộ luật Dân sự quy định: "Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự".
Như vậy, pháp luật không quy định người yêu cầu công chứng phải khám sức khỏe. Tuy nhiên, nếu công chứng viên có nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng, thì có thể yêu cầu họ đến cơ quan y tế để giám định chứng minh họ đủ năng lực hành vi dân sự.
Khi đó, cơ quan y tế có thẩm quyền ban hành văn bản xác nhận khả năng nhận thức của người yêu cầu công chứng tại thời điểm họ tham gia xác lập, ký kết hợp đồng, giao dịch. Đây là cơ sở để công chứng viên có thể tiếp nhận và thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng theo quy định pháp luật.
Đối với trường hợp của mẹ bạn, có thể công chứng viên nghi ngờ về khả năng nhận thức do lớn tuổi, trí nhớ kém, không thể hiện được ý chí của bản thân tại thời điểm yêu cầu công chứng. Do đó, bạn có thể đưa mẹ đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế có thẩm quyền.
Bình luận (0)