Khi nào được khám chuyển tuyến để hưởng bảo hiểm y tế?

26/02/2024 04:23 GMT+7

Bệnh nhân muốn được hưởng bảo hiểm y tế khi khám bệnh ở tuyến trên phải đáp ứng được điều kiện, thì mới được bệnh viện ký giấy chuyển tuyến.

Tôi có thẻ bảo hiểm y tế tại một bệnh viện tuyến tỉnh ở TP.HCM. Hiện tôi có một khối u nhỏ ở đầu và đang điều trị ở bệnh viện tuyến Ttrung ương tại TP.HCM từ 5 năm nay. Hằng tháng tôi cứ phải đến bệnh viện tuyến Trung ương để xét nghiệm máu và mua thuốc uống.

Bệnh của tôi không phải nhập viện, và tôi cũng không có giấy chuyển viện, nên đã 5 năm nay tôi không được hưởng bảo hiểm y tế, mọi chi phí tôi đều phải tự chi trả, nên rất tốn kém.

Tôi muốn hỏi, việc bệnh viện tuyến Trung ương không tiếp nhận thẻ bảo hiểm y tế của tôi có đúng quy định pháp luật không? Trường hợp của tôi phải làm sao để được hưởng bảo hiểm, quy trình và thủ tục ra sao?

Bạn đọc Văn Tấn.

Luật sư tư vấn

Luật sư Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty luật TNHH Nam Thiên (SSAC) tư vấn, căn cứ khoản 3 điều 22 luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bổ sung 2014, việc người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tại bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng lại đến khám chữa bệnh thuộc bệnh viện tuyến Trung ương, tức là không đúng tuyến, sẽ được bệnh viện Trung ương chi trả 40% chi phí điều trị nội trú.

Trường hợp của bạn, không phải nhập viện, được coi là điều trị ngoại trú, cho nên không được hưởng bảo hiểm. Do đó, bệnh viện tuyến Trung ương không tiếp nhận thẻ bảo hiểm tế của bạn là đúng với quy định pháp luật.

Khi nào được khám chuyển tuyến để hưởng bảo hiểm y tế?- Ảnh 1.

Để được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, bệnh nhân phải đáp ứng được điều kiện chuyển tuyến

NGÂN NGA

Vậy khi nào mới được hưởng bảo hiểm y tế? Tại khoản 1 điều 5 Thông tư 14 năm 2014 của Bộ Y tế quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên, khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, hoặc bệnh phù hợp với tiêu chí này, nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị.

Thứ hai, căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp, thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn.

Thứ ba, trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến 4).

Nếu trường hợp của bạn có đáp ứng các điều kiện để chuyển tuyến như trên, bệnh viện sẽ thực hiện thủ tục như: thông báo và giải thích rõ lý do chuyển tuyến cho người bệnh, hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh, ký giấy chuyển tuyến…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.