Đây là khẳng định của Bộ LĐ-TB-XH sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Trong số 12 nhóm chính sách hỗ trợ mới được ban hành, có 7 chính sách hỗ trợ tiền mặt 1 lần cho NLĐ trực tiếp bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) do Covid-19.
Hỗ trợ tiền mặt từ 1 - 3,71 triệu đồng
Cụ thể, NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc, làm việc tại doanh nghiệp (DN), HTX, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc chi đầu tư và chi thường xuyên, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) để phòng, chống dịch Covid-19 có thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của HĐLĐ từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1.5 đến hết ngày 31.12.2021, sẽ được hỗ trợ 1 lần bằng tiền mặt. Mức hỗ trợ cho NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng là 1,855 triệu đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3,71 triệu đồng/người.
Riêng đối tượng lao động không có giao kết HĐLĐ - tức lao động tự do - và một số đối tượng đặc thù khác, nghị quyết nêu rõ, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, TP xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần, hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương
|
Trường hợp NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ bị ngừng việc theo khoản 3 điều 99 bộ luật Lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của CQNNCTQ từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 1.5 - 31.12.2021, đang tham gia BHXH bắt buộc được hỗ trợ 1 lần với mức 1 triệu đồng/người.
Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ 1 lần với mức 3,71 triệu đồng/người đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng 4 trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1.5 - 31.12.2021. Hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian trên cũng được trợ cấp 1 lần là 3,71 triệu đồng/người.
Đối với lao động nữ mang thai bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngoài được nhận hỗ trợ 1 lần, sẽ được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Lao động đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha.
Không chỉ có NLĐ được hỗ trợ tiền mặt, nghị quyết cũng quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng/lần, đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1.5 - 31.12.2021 theo yêu cầu của CQNNCTQ để phòng, chống dịch Covid-19.
Triển khai ngay trong tháng 7
Trả lời Thanh Niên ngày 2.7, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh cho biết Bộ LĐ-TB-XH đã xây dựng xong dự thảo hướng dẫn triển khai thủ tục, giấy tờ gói hỗ trợ. Trong tuần tới, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành văn bản để các địa phương có thể bắt đầu triển khai trong thực tế.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc hỗ trợ ngân sách nhà nước được thực hiện như sau: Các tỉnh, TP có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư trên 60% tự bảo đảm kinh phí thực hiện. Ngân sách T.Ư hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 80% mức thực chi theo quy định tại nghị quyết đối với các tỉnh miền núi, Tây nguyên; 60% mức thực chi theo quy định tại nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây nguyên); 40% mức thực chi theo quy định tại nghị quyết đối với các tỉnh, TP có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách T.Ư còn lại.
Doanh nghiệp được vay để trả lương ngừng việc với lãi suất 0%Ngoài hỗ trợ tiền mặt cho NLĐ, Nghị quyết 68 cũng ban hành các chính sách hỗ trợ NSDLĐ như: được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ 1.7.2021 đến hết ngày 30.6.2022) cho NLĐ thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4.2021 đối với DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 4.2021, thời gian tạm dừng là 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị; được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Đặc biệt, DN sẽ được vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay.
|
Từ thực tiễn triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, tỷ lệ giải ngân hỗ trợ NLĐ và DN đều rất thấp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong hướng dẫn thực hiện sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn thực tế đã bộc lộ khi thực hiện Nghị quyết 42. Với gói hỗ trợ này, chính sách của T.Ư mang tính khung, định hướng. “Đơn cử như nhóm lao động tự do, các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện, khả năng ngân sách để chủ động xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, xác định mức tiền… Chính phủ chỉ đưa ra mức sàn, địa phương có điều kiện thì hỗ trợ thêm”, ông Dung nói.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Ông Đào Ngọc Dung cho hay: “So với gói hỗ trợ trước, thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm 2/3. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng 1 lần trong một chính sách hỗ trợ. NLĐ được hỗ trợ 1 lần bằng tiền chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia”.
Theo ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng năm 2020 chưa được như mong đợi chính là tiêu chí xét đối tượng. Đối tượng rộng, nhưng tiêu chí lại quá chặt chẽ, rất khó xác định. “Lao động phi chính thức nhập cư từ nông thôn ra thành thị phải có tạm trú mới nhận được hỗ trợ, nhưng đặc điểm của nhóm đối tượng này là di chuyển trong TP và từ TP đến nông thôn rất thường xuyên, vì thế họ thường thực hiện tạm trú không đầy đủ. Quy định phải có tạm trú đã là trở ngại đối với công tác chi trả hỗ trợ cho NLĐ nhập cư. Một nhóm nữa là nhóm nông dân có nông sản bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng chưa có quy định hỗ trợ rõ ràng”, ông Tú bày tỏ.
|
Vì vậy, ông Tú cho rằng 2 nhóm lao động trên có thể khó trong xác định để triển khai hỗ trợ nên tiêu chí cần không quá phức tạp, khó khăn trong xét đối tượng. Đặc biệt, chúng ta cần tối đa hóa giao cho chính quyền địa phương chủ động xác định đối tượng và có sự tham gia của các bên liên quan.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nêu ý kiến: “Kinh nghiệm từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho thấy, nếu các điều kiện đưa ra quá cao hoặc thủ tục rườm rà, xác định trách nhiệm không rõ và phân cấp không mạnh cho các địa phương thì NLĐ và NSDLĐ sẽ rất khó tiếp cận chính sách, bị ách tắc trong việc triển khai. Sau nghị quyết, Bộ LĐ-TB-XH cần ban hành hướng dẫn kịp thời giải quyết các vấn đề an sinh xã hội”.
Bình luận (0)