Khi nào người lao động được xem là công đoàn viên?

28/03/2023 14:44 GMT+7

Để được xem là công đoàn viên, người lao động cần có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam và được ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định công nhận hoặc kết nạp.

"Tháng 6.2022, tôi trở thành nhân viên chính thức của công ty và được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Đến tháng 8.2022, kế toán công ty hỏi có tham gia công đoàn không thì tôi đồng ý và họ trừ phí công đoàn từ tháng 12.2022.

Trong đó, công ty tôi, có người ký hợp đồng cùng thời điểm tháng 8.2022 với tôi thì được tham gia công đoàn thời điểm này luôn. Vậy thời điểm tham gia công đoàn là tùy theo công ty hay quy định đóng BHXH là sẽ tham gia công đoàn luôn?"

Thắc mắc nêu trên của chị Phạm Thị Thu (ở TP.HM) - bạn đọc Báo Thanh Niên.

Khi nào người lao động được xem là công đoàn viên? - Ảnh 1.

Để trở thành công đoàn viên, người lao động cần có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn

NHẬT THỊNH

Người lao động cần có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn

Theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, Điều lệ Công đoàn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 174/2020 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có quy định về đối tượng và điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Cụ thể, người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và người Việt Nam lao động tự do hợp pháp, không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tín ngưỡng, tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, tự nguyện sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở của công đoàn, đóng đoàn phí theo quy định thì được gia nhập Công đoàn Việt Nam.

Đồng thời, theo Hướng dẫn 03/2020 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, quy định chi tiết về "người Việt Nam làm công hưởng lương trong các đơn vị sử dụng lao động đang hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam".

Cụ thể gồm cán bộ, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan nhà nước; người lao động làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã; văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam; lao động tự do, hợp pháp thuộc khu vực lao động phi chính thức...

Đối chiếu theo điều 170, bộ luật Lao động 2019, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của luật Công đoàn.

Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của bộ luật Lao động.

Để được xem là công đoàn viên, người lao động cần có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam và được ban chấp hành công đoàn cơ sở (hoặc nghiệp đoàn cơ sở với lao động tự do) xem xét, quyết định công nhận hoặc kết nạp công đoàn viên.

Ngoài ra, người lao động cũng được cấp thẻ công đoàn viên. Đây là sự xác nhận tư cách đoàn viên của tổ chức công đoàn với một cá nhân cụ thể, như theo Quyết định 174/2020 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.