Thanh Niên đưa tin hôm 29.11, ở TP.HCM, một tài xế xe ôm công nghệ bị một người đàn ông khạc nhổ trúng người khi đang điều khiển xe máy đã không kiềm chế được cơn giận nên đuổi theo truy hỏi kẻ khạc nhổ, rồi sau đó cự cãi đánh nhau khiến tài xế xe ôm tử vong.
Thử đặt mình vào tình cảnh của người đi đường phải “hứng trọn” mớ nước bọt phun ra từ một kẻ khạc nhổ bừa bãi đi phía trước để hiểu và thông cảm cho cơn tức giận của người đàn ông trong câu chuyện nói trên. Khó ai kiềm chế được cảm xúc trong những trường hợp như thế. Nhất là, người khạc nhổ bừa bãi lại còn không hề biết lỗi, không nhận ra hành vi của mình là sai trái.
Sau một câu chuyện đau lòng như thế, câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ cộng đồng chúng ta cứ phải chịu đựng tình cảnh đó, cứ phải hy vọng rằng mình sẽ không xui xẻo trở thành nạn nhân của những kẻ khạc nhổ bừa bãi. Còn nếu có thiếu may mắn lâm tình cảnh ấy thì cũng ráng mà chịu, chứ không có khi lại trả giá bằng sức khỏe và tính mạng.
Nhất là, ở các đô thị đông người như Hà Nội, TP.HCM, số người sử dụng xe máy để lưu thông rất nhiều. Điều này khiến cho chuyện khạc nhổ bừa bãi ngoài đường càng dễ có xác suất gây ảnh hưởng đến người khác.
Mà có phải chỉ có mỗi chuyện khạc nhổ không đâu. Nhiều người đang giữ trong đầu thứ quan niệm tệ hại về trách nhiệm cộng đồng, là ở ngoài đường thì muốn làm gì thì cứ làm, có phải trong nhà ai đâu mà phải giữ ý. Thế là khạc nhổ, thế là búng tàn thuốc, thế là phóng uế, tiểu tiện ngoài đường. Thậm chí khi bị nhắc nhở thì lại cho là xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của họ.
Hành vi khạc nhổ bừa bãi ngoài đường cần được xếp vào danh sách những hành vi phải xử phạt thật nặng, vì không chỉ gây mất vệ sinh công cộng, làm ảnh hưởng đến người khác, mà còn có thể gây truyền nhiễm bệnh tật, trong đó có bệnh lao. Và những kiểu hành vi thiếu văn minh khác như xả rác, búng tàn thuốc, tiểu tiện ngoài đường, vẽ bậy nơi công cộng cũng phải xếp vào danh sách cần xử phạt thật nặng.
Nhìn vào kinh nghiệm của những quốc gia đã từng đối mặt và vượt lên những thói hư tật xấu này trong cộng đồng, có thể chỉ ra những bài học kinh nghiệm quan trọng về truyền thông, về giáo dục công dân, và đáng nhắc nhất là về sự nghiêm minh của luật pháp. Một số quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei vẫn áp dụng hình thức đánh kẻ bị phạt bằng roi mây để “đòn đau nhớ đời”.
Bình luận (0)