Ngày 16.8, Tại TP.HCM, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức tọa đàm "Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon".
Trước đó, Việt Nam bán hơn 10 triệu tín chỉ carbon rừng, với giá 5 USD/tín chỉ, được đánh giá là thấp và thị trường quốc tế, đặc biệt EU, nơi có giá tới 100 USD/tín chỉ. Chính vì thế, câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể bán với giá đó không hoặc khi nào sẽ bán được giá cao như vậy?
TS Trần Đại Nghĩa, Trưởng ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn - IPSARD) trả lời: Về cơ bản, thế giới hiện có 2 dạng thị trường carbon tự nguyện và thị trường carbon tuân thủ (bắt buộc). Việt Nam mới tham gia thị trường tự nguyện, chưa thể tham gia thị trường bắt buộc vì chưa có thị trường carbon nội địa.
"Hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành liên quan về việc phát triển thị trường carbon của Việt Nam. Tuy nhiên, lộ trình mới xây dựng đến năm 2028 và chỉ áp dụng cho thị trường trong nước. Còn trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế phải chờ đến sau năm 2029", ông Nghĩa nói.
GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM) nêu quan điểm: Năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng và phát triển thị trường tín chỉ carbon. Nếu so với việc tham gia thị trường tự nguyện như hiện nay thì khi xây dựng được thị trường tín chỉ sẽ có lợi hơn rất nhiều về kinh tế.
Ngoài cơ chế thì thị trường tín chỉ carbon còn cần lượng lớn nhân lực phục vụ ở rất nhiều khâu khác nhau. TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn cho biết: Ngay với đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, ở mỗi khâu sản xuất đều cần rất nhiều nhân lực có kỹ năng và lập hồ sơ, ghi chép nhật ký sản xuất… Chính vì vậy, công tác đào tạo nhân lực cho việc hình thành thị trường là rất quan trọng.
TS Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ Sinh Thái VOS Holdings nhấn mạnh: Sắp tới ở Việt Nam có khoảng 2.400 doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Bình quân mỗi doanh nghiệp cần ít nhất 2 nhân viên để phụ trách lĩnh vực này, tương đương 5.000 lao động. Bên cạnh đó, khi chúng ta hình thành thị trường tín chỉ carbon và sàn giao dịch thì sẽ cần rất nhiều nhân lực và đây là thời điểm phải chuẩn bị.
Bình luận (0)