Khi người dân đồng thuận

14/02/2014 10:29 GMT+7

Thực tế đã chứng minh ở nhiều địa phương, khi một chủ trương hay chính sách nào đó ra đời mà được người dân đồng thuận thì hiệu quả đạt được sẽ rất cao. Sự thành công của phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT) ở Lâm Đồng là một ví dụ.

Năm 2011, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành đề án phát triển đường GTNT phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 với phương thức “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ vật tư”. Trên cơ sở này, không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, Sở GT-VT Lâm Đồng còn phối hợp cùng Sở Tài chính công bố thiết kế mẫu đường GTNT và hướng dẫn về cơ chế mua vật tư, hóa đơn chứng từ, các loại hồ sơ thanh quyết toán có liên quan. Từ đó mọi người thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của mình tham gia đóng góp phát triển GTNT, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước. Nhờ vậy, phong trào xây dựng GTNT nhanh chóng lan rộng khắp cộng đồng dân cư và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Một nguồn lực lớn trong nhân dân đã được huy động vào việc này. Nhiều địa phương đã mạnh dạn phát động phong trào và linh hoạt, sáng tạo xây dựng cơ chế, bố trí, huy động nguồn vốn cho riêng địa phương mình như: hiến đất, giải phóng mặt bằng, huy động ngày công, tự tổ chức thi công xây dựng và quản lý chất lượng công trình.

Theo Sở GT-VT Lâm Đồng, trong 3 năm qua đã có 921 km đường được đầu tư, nâng cấp (hơn 606 km đường làm mới và đường nâng cấp, sửa chữa gần 315 km); đầu tư làm mới và sửa chữa hơn 2.200 m cầu - cống với tổng kinh phí gần 1.962 tỉ đồng, trong đó khoảng 30% là đóng góp của nhân dân. Để có được kết quả này người dân đã tự nguyện hiến hàng chục hecta đất, tự giải tỏa cây trồng mà không đòi hỏi phải đền bù, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động để tham gia làm đường… Trong phong trào, nhiều mô hình tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu đã xuất hiện. Điển hình như gia đình ông Kon Sơ Ha KRang ở xã Đạ Tông (H.Đam Rông) đã tự nguyện hiến 2.000 m2 đất và phá bỏ cây trồng, hoa màu trên diện tích đất này; gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, xã Gung Ré (H.Di Linh) hiến 1.500 m2 đất; gia đình ông Phạm Văn Thanh ở xã Gia Viễn (H.Cát Tiên) hiến 960 m2 đất và ủng hộ 61 triệu đồng; gia đình ông Đỗ Xuân Đoàn ở xã Đạ Kho (H.Đạ Tẻh) hiến 500 m2 đất, ủng hộ 22 triệu đồng và 65 ngày công,… để làm đường phục vụ nhu cầu đi lại của bà con. 

Phát triển GTNT là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở để tạo tiền đề cho việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, giảm áp lực đô thị hóa… nên những gì đã làm được ở địa phương này là việc đáng ghi nhận. Để phong trào được phát triển hơn, trong thời gian tới, ngoài việc tuyên truyền, nghiên cứu nhân rộng cách làm từ các mô hình tiêu biểu, các địa phương cần xây dựng các hình thức huy động vốn  theo điều kiện của từng nơi một cách phù hợp như: đóng góp bằng tiền, bằng ngày công lao động, vật tư, hiến đất… để người dân thực sự hiểu rõ hơn quyền lợi và trách nhiệm của mình mà tham gia đóng góp đối ứng…

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.