“Ở đây vui quá” nhưng “cười hết nổi” !
|
Jesse đến VN năm 2009 và nuôi mộng về con đường viết lách bằng tiếng Việt khi thấy đa số hàng xóm mình thường xuyên đọc báo. Nhưng, khi anh nói về ước mơ này, ai cũng cười bảo anh “không thể”. “Mỗi câu mỗi lời như một cú thúc thật mạnh khiến tôi càng thêm khao khát đạt được thứ tưởng chừng không tưởng”, Jesse chia sẻ trong lời tựa cuốn sách thứ 2 của anh (NXB Đà Nẵng - Phanbook phát hành).
Để có thể ngồi trò chuyện bằng tiếng Việt với bạn đọc hôm nay về văn hóa, lối sống, con người nơi đây, Jesse đã “nhập cuộc”, từ chạy bàn trong quán hủ tiếu bình dân đến dẫn chương trình cho đài truyền hình, từ phụ việc ở tiệm cà phê đến dạy tiếng Anh miễn phí... Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên nhìn nhận: “Jesse sống như một người VN, thậm chí hơn cả người VN, để viết như người trong cuộc chứ không phải người ngoài đứng nhìn rồi phê phán”.
Hơn 60% công việc anh đã làm là miễn phí, dù “thu nhập của tôi chỉ vừa đủ sống, cuộc sống của tôi luôn nằm ngay mép bờ vực”, nhưng theo anh, đó là cách rất tốt để học tiếng Việt. Để rồi, bằng lối tư duy ngôn ngữ Việt không giống bất cứ một người viết tiếng Việt nào khác, Jesse đã tạo ra một văn phong ngộ nghĩnh, lạ lùng, nói về một hiện thực vừa “vui quá” vừa “cười hết nổi” mà anh đã, đang và tiếp tục dự phần. Qua những trang viết của anh, dù với những vấn đề, câu chuyện gặp - nghe “thường ngày ở huyện” với người Việt, như chuyện bắt nạt trên đường, chuyện đàn ông và nữ quyền, “phong tục” nhậu hay việc học tiếng Anh của người Việt, cách Jesse “kể” khiến người ta phải nhíu mày, ngẫm ngợi.
|
Tiếng Việt khiến tôi mơ mộng...
Cùng dịp này, một cuốn sách khác thú vị không kém vừa ra mắt là Chuyện người Tây ở xứ Ta (do NXB Thế giới và Nhã Nam phát hành), được viết bởi 21 tác giả là những nghệ sĩ, chuyên gia giáo dục, giáo viên, nghiên cứu viên, cựu binh... ở các quốc gia khắp 5 châu khi đến sống và làm việc tại VN. Họ, bằng con mắt vừa khám phá, hiếu kỳ lẫn chân thật, với cách cảm và lối thể hiện khác nhau, đã mang đến những câu chuyện khiến ta có thể bật cười hay nghẹn lòng, về một VN “đáng nhớ”.
Theo chuyên gia công nghệ giáo dục Ấn Độ Preetam Rai, những ưu điểm nổi bật nhất của giới trẻ VN chính là sự tò mò và ham học hỏi, khi “hầu hết học sinh, sinh viên sống ở thành phố đều tự tin nói chuyện với người lạ và đi du lịch đến những vùng đất mới”. Song anh cũng “cảm thấy rằng đặc điểm tiêu cực của nhiều bạn trẻ VN là họ hay so sánh bản thân với bạn bè đồng trang lứa và cảm thấy tự ti nếu họ không có được thứ mà “con nhà người ta” có”.
Hay với anh chàng người Palestine gốc Jordan Yazan Ali Hassan Ayaydeh, khi sang VN du học, đã “vật lộn” với vô vàn từ đồng âm, đồng nghĩa, dấu câu và kho tàng ca dao tục ngữ. Anh cũng bày tỏ “nỗi niềm” khi người bán hàng thường hay chặt chém nếu người mua là ngoại quốc cho đến khi học được tiếng Việt và biết mặc cả.
Trong khi đó, với nhà ngôn ngữ Karine Mai Lan Vidal (có cha là người mang 2 dòng máu Pháp - Việt), người đã luôn trăn trở “làm sao tôi có thể tách rời hay hòa hợp 2 nền văn hóa trong bản thân mình”, sau 10 năm đến VN sinh sống, sau hành trình học - tìm hiểu - nghiên cứu ngôn ngữ này, đã nhìn nhận: “Tiếng Việt đã ru tuổi thơ tôi cho dù lúc ấy tôi vẫn còn chưa nói, chưa hiểu ngôn ngữ này... Chuỗi âm thanh như một khúc hát tuyệt đẹp. Tiếng Việt đã khiến tôi mơ mộng, vẫn còn khiến tôi mơ mộng mãi hôm nay dù giờ đây tôi đã bắt đầu nói được trôi chảy... Tiếng Việt là ngôn ngữ của thi ca, ngôn từ của người hát tình ca...”.
Bình luận (0)