Nguyễn Hùng Dũng (22 tuổi, sinh viên năm 3 ngành cao đẳng diễn viên cải lương khóa 18 Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) cho biết anh có niềm đam mê cải lương từ khi còn là học sinh lớp 8.
Nguyễn Hùng Dũng trong vai một “kép lão” |
NVCC |
“Gia đình bên nội và ngoại đều mê cải lương nên tôi được thưởng thức những vở tuồng từ bé. Tuy nhiên, đến năm học lớp 8, tôi vô tình nghe lại đoạn ca Mê Linh Biệt Khúc của cố nghệ sĩ Thanh Nga thì niềm đam mê trong tôi mới trỗi dậy mạnh mẽ. Tôi và bà nội đều bị mê hoặc bởi tiếng ca não nuột mà mộc mạc đầy nội tâm ấy”, Dũng chia sẻ.
Khi theo đuổi bộ môn cải lương, Hùng Dũng cho hay anh gặp nhiều khó khăn vì chưa qua trường lớp, cùng với vóc dáng nhỏ bé nên bị hạn chế khi hóa thân vào các vai diễn.
Vào tháng 2.2019, Dũng may mắn được tham gia dự án lớp học cải lương dành cho người trẻ do Hội đồng Anh (TP.HCM) tổ chức.
Trong khóa học, dưới sự hướng dẫn và đào tạo của NSND-tiến sĩ Bạch Tuyết cùng NSƯT Huỳnh Khải, Dũng đã có được những kiến thức quý giá để theo đuổi đam mê cải lương. Đến tháng 7.2019, Dũng đã thi đậu vào trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, ngành CĐ diễn viên cải lương.
Để theo đuổi bộ môn cải lương, Dũng lưu ý điều kiện tiên quyết chính là giọng hát và làn hơi, tiếp đến là nhịp, nghe được dây đàn và hát được những bài cơ bản.
“Khi đã có những tố chất đó thì phải biết tìm tòi học hỏi về cách ca về nhịp trong câu hát để tạo được điểm nhấn , sau đó là đến kỹ thuật biểu diễn và vũ đạo, hóa trang ... Những yếu tố đó sẽ kết hợp cùng nhau thì mới tạo nên được một người diễn viên cải lương”, Dũng chia sẻ.
Còn đối với nghệ sĩ cải lương thì vũ đạo và diễn xuất phải nhuần nhuyễn, biết tiết chế động tác diễn cho phù hợp với tình huống và tính cách nhân vật để người xem tin đó đúng là nhân vật đang sống thật trên sân khấu, theo Dũng.
Nguyễn Hùng Dũng chụp cùng NSƯT Thoại Mỹ |
NVCC |
Cải lương không bao giờ “chết”
“Trong cuộc sống thì cái gì cũng sẽ thịnh và suy. Đó là một vòng tuần hoàn nên cải lương đi vào thoái trào. Chúng ta không thể phủ nhận nhưng nếu nói cải lương chết thì sai vì vẫn còn rất nhiều người trẻ đang tìm hiểu và đam mê loại hình nghệ thuật này”, Dũng chia sẻ.
Theo Dũng, hiện nay cải lương chưa có gì mới để thu hút nhiều khán giả hơn và một số người luôn nghĩ cải lương là buồn, ướt át, sến súa.
“Cải lương, hát bội hay chèo đều mang tính chất ước lệ của sân khấu, mà cải lương thì rất đặc biệt là bài được trích ra từ các bài bản của Đờn ca tài tử và sử dụng một cách có chọn lọc, mỗi bài bản sẽ có một tính chất để sử dụng vào hoàn cảnh nào và hát trong tâm lý nhân vật ra sao”, Dũng cho biết.
Trần Quỳnh Anh, cô gái đam mê cải lương, đứng bên cạnh nghệ sĩ Bạch Long (hình trái, bên trái) |
NVCC |
Còn Trần Quỳnh Anh (sinh viên năm 2, chuyên ngành đạo diễn sân khấu Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM) cũng dành tình yêu đặc biệt cho bộ môn cải lương.
Xuất thân từ Đoàn cải lương tuồng cổ Đồng ấu Bạch Long do nghệ sĩ Bạch Long truyền dạy, Quỳnh Anh cho biết cô cảm thấy sự hạnh phúc và tự hào khi được hát lên âm điệu ngũ cung mang đậm bản sắc dân tộc, sự thỏa mãn khi được khoác lên mình bộ phục trang tuồng cổ, được múa những vũ đạo mà các bậc tiền bối đã kết tinh và chỉ dạy.
Thời gian đầu, Quỳnh Anh cho biết cô gặp khó khăn vì không có được làn hơi và giọng ca trời phú, cảm âm chỉ ở mức ổn và cách ngân nga luyến láy rất “cứng” và thiếu hơi. Nhưng đã nhắc đến cải lương thì đầu tiên phải là “ca” vì vậy cô phải nỗ lực tập luyện rất nhiều.
“Thầy Bạch Long và thầy Duy Khôi đã chỉ dạy, sửa cho mình từng chút một, có khi tận 2 giờ chỉ để sửa 4 câu nói lối chứ chưa vào bài vọng cổ. Thầy dạy mình cách lấy hơi, sử dụng hơi, ngân nga luyến láy sao cho “chín”, “sao cho mùi”. Có hôm do hát không được, mình tức đến phát khóc, nhưng vì đam mê quá lớn nên lúc nào tôi cũng tập hát luôn miệng, tập nghe những bản hòa tấu bài bản để thấm dần âm điệu”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Trần Quỳnh Anh trình diễn trong một vở cải lương |
NVCC |
Tuy có niềm đam mê mãnh liệt nhưng Quỳnh Anh vẫn có nhiều trăn trở khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật vốn rất kén khán giả hiện nay. Nữ sinh viên vẫn luôn có niềm tin và luôn nỗ lực hết mình vì cũng có rất nhiều người trẻ như cô theo đuổi bộ môn nghệ thuật này.
Dù là một khán giả yêu cải lương nhưng ban đầu mẹ chỉ muốn Quỳnh Anh theo học cải lương để thỏa đam mê như học thêm một môn năng khiếu.
“Tuy nhiên, sau 4 năm tôi theo nghiệp cải lương, có lẽ bố mẹ cũng đã dần thấu hiểu được thật sự đam mê và nghiêm túc chọn theo con đường này và họ dần chấp nhận. Tôi sung sướng biết bao khi thấy bố mẹ khoe với họ hàng, bạn bè những tấm ảnh, đoạn clip mình biểu diễn một cách đầy tự hào”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Bình luận (0)