Khi người trẻ thích đi ăn một mình…

08/11/2024 16:02 GMT+7

Trước đây, nhiều người có tâm lý ngại ngùng khi đi ăn một mình vì sợ ánh mắt của người xung quanh nhìn. Thế nhưng, giờ đây, các bạn trẻ lại khác.

Mới đây, theo trang web đặt nhà hàng OpenTable, số lượng đặt chỗ cho bàn ăn một mình đã tăng 29% trong 2 năm qua tại Mỹ. Năm 2024, con số này ở Đức là 18%, ở Anh là 14%. Tại Việt Nam, khi được hỏi: "Có thường xuyên đi ăn một mình không?". Những người được hỏi trả lời là có.

Vì sao nhiều bạn trẻ thích đi ăn một mình?

Nguyễn Yên Hà (29 tuổi), ngụ tại 156 Hưng Phú, P.12, Q.8, TP.HCM chia sẻ cô gái thường xuyên đi ăn một mình từ các buổi: sáng, trưa, chiều, tối. "Tôi cảm thấy chuyện đi ăn một mình rất bình thường. Dù mình đã có bồ và có rất nhiều bạn, nhưng ai cũng có công việc riêng. Vì thế, tôi thường xuyên lựa chọn cách đi ăn một mình", Hà nói.

Hà cho biết thường chọn tiệm ăn nhanh và rời đi ngay, tránh những quán trang trí quá đẹp để không phải ngồi lại lâu. Vừa ăn, cô gái vừa lướt mạng xã hội để xem tin tức, chat với bạn bè… Hà cảm thấy rất thoải mái, không hề có cảm giác cô đơn.

Đinh Tấn Huy (29 tuổi), ngụ tại 80 Nguyễn Thời Trung P.6, Q.5, TP.HCM cho rằng chuyện ăn uống cần riêng tư. Huy thường ăn nhanh, đôi lúc có phần chưa chỉn chu, nếu đi một mình sẽ không bị ai phàn nàn, đánh giá. Bên cạnh đó, khi ăn một mình, Huy dễ dàng lựa chọn toàn món mình yêu thích, có nhiều thời gian để ngắm phố phường, quan sát mọi người xung quanh.

Khi người trẻ thích đi ăn một mình…- Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ thích đi ăn một mình

ẢNH: PHƯƠNG VY

"Tôi để ý có rất nhiều bạn trẻ cũng giống mình. Họ vừa ăn vừa đeo tai nghe, xem phim hoạt hình… Bản thân mình cũng hay vừa chạy... deadline, vừa ăn. Đi ăn một mình khiến bản thân cảm thấy thoải mái, có sự riêng tư. Lỡ hôm nào có tâm sự, mình cũng dễ dàng nhâm nhi hơn là đi ăn chung với người khác", Huy nói.

Khi người trẻ thích đi ăn một mình…- Ảnh 2.

Tấn Huy thích đi ăn một mình mỗi khi có tâm sự

ẢNH: NVCC

Sống ở ký túc xá, Võ Hữu Khang, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng thường chọn cách đi ăn một mình. Chàng trai giải thích bạn bè thường không có thời gian biểu rảnh giống nhau nên khó thuận tiện để đi ăn cùng.

"Tôi cảm thấy những lần đi ăn một mình rất bình thường vì ai cũng có thời gian và cuộc sống riêng. Chúng ta không nhất thiết phải có người đi ăn cùng. Nếu đi ăn một mình, bản thân sẽ chọn quán tùy thuộc vào hôm đó ta thích ăn gì và thuận tiện ra sao chứ không phụ thuộc vào sự yên tĩnh hay đông đúc. Mình thường thích quán có không gian nhẹ nhàng, không quá đông để tránh việc chờ đợi", Khang chia sẻ.

Ăn một mình không có nghĩa là cô đơn

Hữu Khang chia sẻ vẫn cảm thấy việc thêm bạn đồng hành vẫn vui vẻ hơn bởi có người trò chuyện. Tuy nhiên, nhiều lúc Khang khá mệt mỏi, nên muốn ăn một mình để bản thân có không gian riêng để thư giãn.

Những lần đi ăn một mình, Khang thường làm điều gì đó như đọc sách, xem phim, tận hưởng món ngon để cảm thấy đỡ trống trải, không cô đơn. Có lúc, Khang dành nhiều thời gian để suy ngẫm mọi thứ, xem sắp tới mình nên làm gì…

Khi người trẻ thích đi ăn một mình…- Ảnh 3.

Các bạn trẻ thường vừa ăn, vừa xem phim, lướt mạng...

ẢNH: PHƯƠNG VY

"Ban đầu bản thân nghĩ ăn một mình sẽ tệ, như thể chúng ta cô đơn, không có bạn bè đi cùng nên mới rơi vào tình huống đó. Nhưng sau này, bản thân nhận ra đi ăn một mình không tệ đến thế. Mình không cần phải ép bản thân hay phải sắp xếp lịch trình với bạn bè để đi ăn cùng, không cần làm những điều mình không thích hoặc vội vã. Thay vào đó, mình có thể tận hưởng trọn vẹn bữa ăn hơn, điều mà trước đây chưa từng để ý. Tóm lại, ăn một mình không tẻ chút nào. Nếu chưa thử, hãy thử một lần, biết đâu lại nghiện đấy!", Khang nói.

Nguyễn Giang (27 tuổi), ngụ tại 45 Nguyễn Quý Đức, P.Thanh Xuân, Hà Nội, cho rằng ăn một mình không có nghĩa là cô đơn. Nó mang lại sự tự do hơn trong việc chọn khung thời gian và địa điểm. Chúng ta cũng không phải chờ đợi hay điều chỉnh lịch trình của mình cho phù hợp với người khác, nên có thể ăn bất cứ lúc nào bản thân muốn. "Thời gian ăn cũng nhanh hơn rất nhiều so với khi đi chung với người khác", Giang chia sẻ.

Có lần, khi Giang đi ăn một mình, chủ quán đã giới thiệu cho anh chàng chương trình "mua 1 tặng 1", hay hỏi Giang có cần đặt gấu bông đối diện để bớt trống trải không. Giang rất bất ngờ vì không nghĩ ăn một mình cũng có thể được ưu đãi riêng.

Lần khác, Giang cũng được phục vụ suất ăn lớn hơn dự kiến vì chủ quán nhầm tưởng anh gọi cho hai người. Những trải nghiệm này khiến Giang nhận ra rằng ăn một mình không chỉ thoải mái mà đôi khi còn có những bất ngờ thú vị.

Theo chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng hành vi ăn uống chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn nguyên nhân sâu xa khác nhau ở mỗi người. Quan trọng là nhận diện giá trị, nhu cầu và cảm xúc của bản thân trong trải nghiệm đó.

Tuy nhiên, khi đi ăn một mình, nhiều người dễ rơi vào tình trạng ăn nhanh hoặc tìm cách phân tâm như xem video, nghe nhạc để lấp đi cảm giác cô đơn. Điều này, có thể làm giảm trải nghiệm thưởng thức và dẫn đến thói quen ăn uống thiếu lành mạnh.

Chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An khuyên rằng mọi người nên dành thời gian tập trung vào món ăn trước mặt, thưởng thức chậm rãi. Điều này, không chỉ giúp cải thiện hệ tiêu hóa mà còn mang lại cảm giác thoải mái và cân bằng tinh thần.

"Việc trân trọng từng bữa ăn, dù ăn một mình hay với người khác, có thể tạo ra một khoảng thời gian ý nghĩa trong ngày và giảm bớt căng thẳng tích lũy", anh Tâm An chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.