Khi nhà báo viết sách

20/06/2020 06:50 GMT+7

Không chỉ viết báo giỏi, yêu nghề..., nhiều nhà báo còn là những cây bút văn chương cừ khôi.

Từng nếm trải đủ cay đắng ngọt bùi với mảng y tế - giáo dục, nhà thơ Từ Nguyên Thạch (nguyên phóng viên Báo Người Lao Động và Pháp Luật TP.HCM) vừa gây bất ngờ và thích thú cho bạn đọc với cuốn truyện dài Tình người cách ly (NXB Hội Nhà văn).
Có thể nói Tình người cách ly là tác phẩm văn học đầu tiên hiện nay tại Việt Nam phản ánh chân thực một đề tài mang tính thời sự và rất được dư luận quan tâm: đại dịch Covid 19. Truyện xoay quanh đôi sinh viên nam nữ từ nước ngoài trở về… trốn dịch. Khi được cơ quan chức năng đưa vào khu cách ly tập trung thì tại nơi này, họ đã chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động, vui có buồn có trong khu cách ly biệt lập còn thiếu thốn: một phụ nữ vượt cạn, một người đàn ông day dứt không kịp về nhà trong ngày cha mất, một thanh niên mượn ma túy để tìm quên trong những ngày lo lắng, buồn bã... Nhưng chính trong hoàn cảnh khó khăn đó đã xuất hiện biết bao con người có lối hành xử cao đẹp. Tinh thần “nhường cơm xẻ áo” với từng gói mì, tấm chăn đắp trong đêm lạnh. Các tình nguyện viên nhường phần cơm ít ỏi cho người cách ly. Các bác sĩ nhiều ngày ròng rã vẫn bám trụ, không về nhà mà ở lại tập trung lo lắng cùng đồng nghiệp...
Khi nhà báo viết sách1
Tiếc nuối những giá trị tốt đẹp đang bị chìm khuất trong cuộc sống xô bồ, Như gió an lành (Saigonbooks và NXB Văn hóa Văn nghệ) của nhà báo trẻ Lưu Đình Long (Báo Giác Ngộ) như những dòng nước mát chảy vào lòng người, giúp độc giả không những học cách thương yêu mà còn biết buông bỏ những hoài nghi, những tham muốn chiếm hữu, cũng như sẽ biết tùy duyên, tùy thuận chứ không cưỡng cầu, trói buộc…
Nhà thơ - nhà báo Lê Thiếu Nhơn góp mặt trong ngày 21.6 năm nay với tập thơ mới Gió heo may ngày nắng gián đoạn (NXB Văn học). Những con chữ tươi vui, hoan ca về cuộc sống đầy niềm vui. Dưới sự tinh tế của một nhà phê bình, sự lãng mạn của một nhà thơ và sự năng động của nhà báo, Lê Thiếu Nhơn bắt nhịp cuộc sống hiện đại hạnh phúc nhưng cũng còn đó bao nỗi buồn đau của người thích hoài cổ. Anh bất chợt Thảng thốt ngoại ô khi thấy quá nhiều khung cảnh của ngày cũ lặng lẽ biến mất: “Một tàu cau sắp rụng nói gì với trời xanh/Ngoại ô cũng tĩnh lặng heo may cũng tĩnh lặng/Những mùa thu ngan ngát đã chia lìa/Tiếng chim mải miết phía tường rêu/Mặt người đôi khi cô đơn hơn mặt đất/Tôi học cách buồn theo vệt khói dần xa…”.
Dịp này, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải cũng tái bản sách Trần Quốc Hương - người chỉ huy tình báo, là mạch ngầm hồi ức về cuộc đời hoạt động và những chiến công thầm lặng của một nhân cách vĩ đại, gắn bó với lịch sử dân tộc. Hội Nhà báo TP.HCM cũng vừa cho ra mắt ấn phẩm Giải báo chí TP.HCM - tác phẩm đoạt giải nhất (2015 - 2019) do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.