PGS-TS Nguyễn Văn Huy, người vẫn được gọi là "vua bảo tàng", rất vui khi biết tin Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận cùng lúc 2 giải thưởng kiến trúc quốc tế cho không gian Trúc Lâm. Đây là không gian nhà hàng trong bảo tàng, nép dưới bóng gốc đa cổ thụ, với một bức tường trình theo kỹ thuật xây dựng của người Hà Nhì. "Đây là một giấc mơ từ hàng chục năm nay, mơ có một không gian nhà hàng hiện đại, giàu văn hóa", PGS-TS Nguyễn Văn Huy nói. Ông nguyên là Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN.
Hai giải thưởng của bảo tàng gồm: giải thưởng Danh dự (Honorable Mention) của International Architecture Awards 2024 (viết tắt IAA) - một giải thưởng chú trọng yếu tố sáng tạo văn hóa, và giải Kiến trúc xanh Green Good Design, giải thưởng quốc tế tôn vinh những điển hình áp dụng thiết kế bền vững hướng tới tương lai xanh.
Nhưng giấc mơ của ông Huy không chỉ dành cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Giấc mơ có một quán cà phê, một nhà hàng văn hóa - xanh - đẹp đẽ là ước mơ của ông với bảo tàng trong nước. "Giới quản lý nhiều năm nay không cho bảo tàng mở cà phê, nhà hàng. Họ nghĩ bảo tàng không được làm vậy, nhất là ở các tỉnh. Đấy là quan điểm rất lạc hậu, kìm hãm sự phát triển, không thỏa mãn nhu cầu khách đi tham quan. Nhưng đồng thời có một mặt trái khác là họ lại cho mở quán bia trong không gian bảo tàng. Theo tôi, quan trọng là làm thế nào để không gian quán trong bảo tàng giàu tính văn hóa, hiện đại", ông Huy chia sẻ.
Thực tế tại nhiều bảo tàng cho thấy có những quán bia được mở ra, án ngữ hết mặt đường của bảo tàng lớn. Cũng có những quán hàng khác, dù đẹp và lịch sự, cũng chỉ bám mặt đường để kinh doanh. "Nhiều quán trong bảo tàng chỉ bám mặt đường để kinh doanh, và khi đó họ quay lưng lại với bảo tàng. Những không gian như thế không có kết nối gì với bảo tàng cả, đặc biệt là về nội dung", KTS Hoàng Thúc Hào, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói.
Trong khi đó, với không gian Trúc Lâm trong Bảo tàng Dân tộc học, mỗi cú "chạm" vào không gian, vào nội dung bảo tàng đều mang lại hiệu ứng tích cực. Gốc đa cổ thụ được giữ nguyên, đưa vào trong không gian của quán, gợi nhớ văn hóa cây đa - giếng nước - mái đình. Bức tường được làm theo kỹ thuật trình tường của người Hà Nhì, vẽ thêm hoa văn thổ cẩm, trở nên thu hút với khách quốc tế. Những cửa kính diện tích lớn kết nối tầm nhìn của người trong quán với những ngôi nhà người dân tộc ít người xung quanh. Đồ vật trong quán bằng mây tre giới thiệu nghề thủ công của các làng nghề Việt. Bộ sưu tập tranh thổ cẩm của người Thái ở Nghệ An cho thấy thẩm mỹ tuyệt vời của tộc người này…
PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho rằng từ những giải thưởng kiến trúc quốc tế của bảo tàng này rất mong tạo được những hiệu ứng để các bảo tàng khác thay đổi theo. Điều nên lan tỏa chính là tư duy về các không gian bảo tàng, tư tưởng về kiến trúc xanh, tư tưởng về giới thiệu văn hóa.
"Chúng ta thấy ở nhiều nơi những sân vườn văn hóa đang mất dần, mất hết. Người ta chỉ muốn xây và xây. Vì thế, không những bảo tàng cần tạo ra không gian xanh giới thiệu văn hóa, mà nông thôn cũng cần giữ những không gian như thế. Nếu không, sau 50 năm nữa chúng ta quay lại tiếc vì những không gian văn hóa đã mất đi do đô thị hóa thì không cứu lại được nữa rồi", ông Huy nói.
Bình luận (0)