Nhà phê bình, họa sĩ Nguyễn Quân không bao giờ quên niềm ngưỡng mộ khi được chép bức tự họa của A.Dürer trong Bảo tàng Leipzig, Đức. Nhưng, một ngày kia, sau khi xem Dürer nhiều hơn, ông đột nhiên thấy nghi ngờ rằng đó là tranh giả. Ông chia sẻ điều đó với một tiến sĩ về lịch sử nghệ thuật Đức và: “Sau đó gần chục năm anh bạn này viết thư thông báo rằng thực ra tính nguyên bản của tác phẩm này bị nghi ngờ ngay từ đầu và cuối cùng Hội đồng giám định cũng đã đau đớn đưa nó ra khỏi bảo tàng”, ông Nguyễn Quân viết trong cuốn Nhìn - thấy - yêu - hiểu (ảnh). Đây là cuốn tiểu luận nghệ thuật mới nhất của ông, do Nhã Nam và NXB Thế giới phát hành, cũng là cuốn sách thứ tư và cuối cùng của bộ sách nhận thức luận nghệ thuật (gồm các cuốn: Ghi chú về nghệ thuật, Tiếng nói của hình và sắc, Con mắt nhìn cái đẹp và Nhìn - thấy - yêu - hiểu).
Với Nhìn - thấy - yêu - hiểu, tác giả Nguyễn Quân phân tích con đường đi đến tình yêu từ cái nhìn thu ngoại giới vào nội giới của người nhìn. Mỗi người với những phẩm chất riêng có thể thấy những điều khác nhau. Từ đó, họ có thể yêu, nhưng chưa chắc đã hiểu. Điều này khá tương đồng với việc ông Quân đã yêu, tự hào về tác phẩm mình chép tại Bảo tàng Leipzig. Chỉ khi xem tác phẩm của A.Dürer đủ nhiều, ông mới nhận ra bức vẽ ông từng say mê chỉ là đồ giả.
Trong cuốn sách này, tác giả còn viết về một số vụ việc nhầm lẫn tranh ở VN: “Nhiều người thấy ngay lập tức bức Vườn xuân của Nguyễn Gia Trí được đấu giá với giá 2 tỉ đồng tại Singapore là tranh giả. Nó có thể nhái một phần bức Vườn xuân Trung - Nam - Bắc ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Với vô số tranh Phái, chỉ qua màn hình ti vi, nhiều người đã biết ngay là tranh giả, nhái”.
Những cắt nghĩa về quá trình đi từ nhìn đến hiểu mà tác giả viết cho thấy sự gian nan của con đường tiếp cận với nghệ thuật. Ông định nghĩa nó như sự “chồng tầng phức tạp”. Và nhờ thế, bạn đọc cũng muốn nhìn lại xem con người trong đó có mình đang thực sự nhìn gì, thấy gì, yêu điều gì và hiểu như thế nào.
Bình luận (0)