Khi Nhật Bản “kéo” NATO về châu Á

27/03/2022 07:30 GMT+7

Nhật Bản đang “hâm nóng” quan hệ với NATO trong bối cảnh nước này cùng một số đồng minh và đối tác không ngừng tăng cường ứng phó các thách thức ở châu Á.

Hôm qua (26.3), tờ Nikkei Asia đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa quay về sau khi có cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bên lề khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh G7 vừa diễn ra tại Bỉ vào ngày 24.3 (theo giờ địa phương). Động thái này của Tokyo được đánh giá là nhằm hâm nóng quan hệ với NATO khi hai bên chia sẻ nhiều quan ngại chung về an ninh liên quan chiến sự ở Ukraine cũng như tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Nhiều thành viên NATO đang tăng cường hoạt động ở Indo-Pacific

Reuters

Tại cuộc gặp, ông Stoltenberg cho biết khối sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản cũng như Hàn Quốc và Úc. Thời gian qua, cùng với Mỹ, một số thành viên NATO ở châu Âu như Anh, Pháp, Đức đã tăng cường hoạt động ở Indo-Pacific để ứng phó các thách thức trong khu vực này, vốn có lợi ích liên quan nhiều nước khi Trung Quốc không ngừng trỗi dậy và có nhiều hành vi gây quan ngại.

Trong bối cảnh đó, Mỹ cùng với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ hình thành nên nhóm “bộ tứ an ninh” làm nòng cốt hành động cho chiến lược Indo-Pacific tự do và rộng mở nhằm đối trọng với thách thức từ Bắc Kinh. Chính vì thế, giới quan sát từng nhiều lần thảo luận về khả năng NATO mở rộng hoạt động sang Indo-Pacific hoặc trở thành một kiểu mẫu cho “bộ tứ” mở rộng hợp tác.

Nhiều khác biệt

Trả lời Thanh Niên ngày 26.3, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận định: “Những nỗ lực của Thủ tướng Kishida nhằm làm ấm quan hệ với NATO là một phần trong chiến lược dài hạn của Nhật Bản để nêu bật các thách thức liên quan đến việc Trung Quốc tái xuất hiện như một cường quốc trong khu vực và tăng cường hợp tác nếu có thể”.

“Mặc dù vậy, mô hình NATO cho một liên minh quốc phòng không phù hợp với Indo-Pacific vì đây là khu vực rất khác biệt về hệ thống chính trị, thể chế cũng như các mối quan tâm về an ninh và quan hệ đối tác. Vì thế, khó có sự hình thành một NATO ở Indo-Pacific hay NATO mở rộng sang khu vực này”, ông Nagy nhận định.

Tương tự, GS Yoichiro Sato (chuyên gia về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản) phân tích: “Nhật Bản đã hợp tác với NATO trong nhiều năm. Hai bên trao đổi quan điểm về các tình hình an ninh toàn cầu. Ngoài ra, Nhật Bản cũng hợp tác an ninh song phương chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Âu riêng lẻ. Tuy nhiên, những ràng buộc này không ngụ ý Nhật Bản muốn gia nhập NATO”.

Theo GS Sato, NATO là một cơ chế an ninh tập thể, theo đó một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả. Môi trường an ninh ở châu Âu và châu Á đã phân hóa nhiều hơn sau Chiến tranh lạnh.

“Bất chấp cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine và viễn cảnh thế giới quay trở lại cuộc Chiến tranh lạnh mới, khoảng cách về lợi ích an ninh và nhận thức giữa châu Âu và Nhật Bản vẫn còn đáng kể”, GS Sato đánh giá và nhận định: “Phần còn lại của châu Á thậm chí còn ít quan tâm hơn về việc gia nhập NATO. Quan điểm của Ấn Độ và hầu hết các nước Đông Nam Á về chiến sự ở Ukraine cho thấy họ muốn tránh xa một cuộc xung đột ở châu Âu”.

Theo ông, sự tham gia của châu Âu vào các vấn đề an ninh ở Indo-Pacific, đáng chú ý nhất là các cuộc điều động hải quân của Anh, Pháp và Đức tới khu vực, và tuyên bố của các nước này về chiến lược liên quan đã làm tăng triển vọng về một liên minh lớn. Sự ra mắt của thỏa thuận hợp tác giữa 3 nước Mỹ - Úc - Anh (AUKUS) cũng nhận được một số đánh giá về khả năng mở rộng một liên minh mới. Tuy nhiên, sự can dự của châu Âu được thúc đẩy nhiều hơn bởi họ cần thể hiện sự chia sẻ với Mỹ, nhằm đảm bảo sự phối hợp ở châu Âu.

Tàu chiến của Nhật, Mỹ và Anh tập trận chung ngoài khơi Nhật Bản vào tháng 10.2021

jmsd

Tuy nhiên, theo ông Sato, thực tế chiến sự ở Ukraine phần nào đang làm thay đổi nhận thức của người châu Âu về vấn đề an ninh thế giới. Nhiều nước châu Âu đã xem xét tăng ngân sách quốc phòng đạt mức 2% GDP như mục tiêu đề ra. Sự đoàn kết của NATO được nâng cao. “Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng có thể mở rộng sự đoàn kết của NATO tới châu Á là Trung Quốc, nếu Trung Quốc viện trợ Nga một cách rõ ràng và thực chất”, GS Sato phân tích, nhưng cũng cho rằng ngay cả khi trường hợp đó xảy ra thì cũng chưa hình thành một NATO mở rộng sang châu Á trong tương lai gần.

Mô hình phù hợp

Giữa các thực tế trên, PGS Nagy nhận xét: “Mô hình cho các liên minh hoặc quan hệ đối tác đang nổi lên ở Indo-Pacific là các phần thỏa thuận ở mức độ nhỏ hơn như cách tiếp cận của “bộ tứ”, có đi có lại như thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) về quân sự giữa Nhật Bản và Úc. Về quốc phòng, có khả năng Nhật sẽ có nhiều RAA, cũng như các khuôn khổ đa phương khác để xây dựng khả năng phục hồi, răn đe và can dự vào Indo-Pacific”.

Bên cạnh đó, theo PGS Nagy, các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sáng kiến chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi và hợp tác công nghệ như một phần của phương pháp tiếp cận đa tầng nhằm xây dựng các chuẩn mực, lợi ích và năng lực chung nhằm cân bằng và định hình các cường quốc xét lại trong khu vực.

“Mỹ sẽ hoan nghênh các sáng kiến vừa nêu, vì giúp giảm bớt gánh nặng mà Washington phải gánh chịu trong khu vực, đồng thời đóng góp vào hợp tác an ninh phối hợp hơn trong nhiều lĩnh vực”, ông Nagy nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.