Khi những cây cầu trở thành 'điểm đen' giao thông

18/03/2019 09:20 GMT+7

Ùn tắc liên miên, dòng người chôn chân từ đầu cầu bên này đến đầu cầu bên kia là những hình ảnh kinh hoàng không khó bắt gặp tại những cây cầu đang dần trở thành "điểm đen" giao thông của TP.HCM.

Ngày nào cũng vậy, vào khoảng 11 - 13 giờ và từ 16 - 19 giờ, cầu Lê Văn Sỹ (Q.3) lại ùn ùn xe cộ xe cộ, trở thành "nút cổ chai" đúng nghĩa ngay đoạn nối 2 tuyến đường Trường Sa - Hoàng Sa. 
Xe cộ xếp thành hàng kéo dài cả gần 200 m, sang tới đầu bên kia cầu
Tình trạng này ngày nào cũng diễn ra tại cầu Lê Văn Sỹ
Chị Mai Anh, thường xuyên đi làm qua cầu này, than: "Dòng xe từ 2 bên phía cầu Lê Văn Sỹ giao cắt với dòng xe ngược chiều từ đường Hoàng Sa và Trường Sa, ép cây cầu nhỏ xíu ở giữa nên kẹt là phải rồi. Ngày nào đi đến đoạn này cũng ngao ngán".
Cách đây khoảng 6 năm, do tình trạng ùn tắc tại khu vực này lên tới mức báo động, TP.HCM đã cho "đóng cửa" để cải tạo, xây mới cầu Lê Văn Sỹ, tuy nhiên từ khi cầu mới đưa vào khai thác, "ùn vẫn hoàn tắc".
Đáng nói, tránh cầu Lê Văn Sỹ, nhiều phương tiện chuyển hướng qua đoạn Trương Định - Kỳ Đồng, rẽ về ngã ba đường Rạch Bùng Binh - Hoàng Sa - Trương Định nhưng cũng không thoát khỏi cảnh xe chôn chân trên đường.
Ùn tắc lan sang cả phía ngã ba đường Rạch Bùng Binh - Hoàng Sa - Trương Định
Tại TP.HCM, quận 4 là quận đặc biệt nhất khi có hình dạng như một cù lao tam giác, xung quanh đều là sông và kênh, rạch và để đi qua các quận liền kề đều phải qua các cây cầu. Thời gian qua, do sự xuất hiện dày đặc của các cao ốc, căn hộ kéo theo lượng phương tiện tăng nhanh đột biến, mỗi cây cầu nối quận 4 với các quận đều trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây.
Chiều muộn 15.3, cầu Calmette (nối quận 4 và quận 1) phía quận 1 "thất thủ" vì kẹt xe
Xe cộ chen nhau nhích từng chút, phải mất gần 30 phút mới thoát khỏi hỗn loạn tại khu vực ngã tư giao cắt đường Calmette - Nguyễn Thái Bình
Dòng xe nối dài bắt đầu từ phía đầu cầu quận 4. Hàng ngàn phương tiện lấp đầy cả cây cầu khiến ai đi ngang cũng phải ngán ngẩm
Không quá khi nói quận 4 đang bị vây quanh bởi những điểm đen giao thông. Tương tự cầu Calmette, người dân hằng ngày đi từ quận 4, quận 1 về hướng quận 7 qua cầu Kênh Tẻ cũng không khỏi ngao ngán vì tình trạng ùn tắc liên miên tại cây cầu này. Gần 1 năm nay, thêm công trình rào chắn để mở rộng cầu, cầu Kênh Tẻ càng trở thành nỗi ám ảnh kẹt xe.
 
Xe cộ kẹt cứng trên cầu Kênh Tẻ Phạm Hữu
Nhiều phương tiện còn leo cả lên phần lề bộ hành phía 2 bên cầu Kênh Tẻ để lưu thông
Dòng xe chen nhau, xếp thành hàng dài bắt đầu từ phía đường Nguyễn Hữu Thọ, gần khu vực LotteMart (quận 7) H.Mai
Tình trạng kẹt xe kéo dài cũng xảy ra tương tự tại cầu Khánh Hội nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) sang thẳng đường Nguyễn Tất Thành (quận 4). Đặc biệt, cầu Ông Lãnh nối từ đường Nguyễn Thái Học (quận 1) tới đường Hoàng Diệu (quận 4) trước đây vốn thông thoáng những cũng bắt đầu trở nên ùn tắc sau khi quá nhiều khu chung cư cao tầng đua nhau nở rộ khu vực này.
Theo Quyết định số 4341 về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ cố gắng đưa vào sử dụng thêm gần 190 km đường bộ và 46 cây cầu với hy vọng sẽ kéo giảm phần nào vấn nạn kẹt xe của TP.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đối với một siêu đô thị phát triển mạnh mẽ như TP.HCM, không thể kỳ vọng vào việc cứ xây thêm cầu, đường là sẽ hết ùn tắc. Nếu không sửa chữa những sai lầm về quy hoạch, tiếp tục kéo dài tình trạng "nhà một nơi đón con một nơi", cấp phép tràn lan cho các công trình cao ốc "bóp nghẹt" giao thông thì không những không giải được bài toán kẹt xe mà còn vẽ thêm nhiều "điểm đen" giao thông như hình ảnh những cây cầu nêu trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.