Trải qua mấy năm, Đồng Tháp đã có hơn 100 Hội quán mang hơn 100 cái tên khác nhau, nhưng cùng một mục đích là nông dân tham gia Hội quán giúp nhau làm ăn, chủ yếu là làm nông nghiệp. Khi đó, ông Lê Minh Hoan nói: “Nước tới chân rồi, cần đến tinh thần cộng đồng, trước hết là tinh thần hợp tác với nhau. Hợp tác tạo ra nguồn lực nhiều hơn”.
Nông sản Việt Nam có thời điểm bị khủng hoảng thừa, giá giảm mạnh |
QUANG THUẦN |
Đó là hình thức hợp tác hoàn toàn tự nguyện, tinh thần hợp tác bình đẳng, không ai lợi dụng hay bóc lột ai, tất cả chỉ vì lợi ích của chính mình gắn với lợi ích của cộng đồng Hội quán.
Còn khi là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Lê Minh Hoan khẳng định: “Nông nghiệp phát triển bền vững hay không suy cho cùng cũng phải bắt đầu từ người nông dân”.
Đặt người nông dân là chủ thể của một nền nông nghiệp mới, nông nghiệp sáng tạo, là yêu cầu người nông dân không chỉ phải toàn tâm toàn ý gắn bó với nông nghiệp, mà phải được đào tạo, trang bị, sở hữu được những kiến thức sâu về nghề nông, biết tính toán lỗ lãi từ canh tác của mình, biết được cả đầu ra của sản phẩm mà mình sản xuất.
Khi người nông dân biết phải làm thế nào để sản phẩm nông nghiệp của mình xuất khẩu tốt, bán nội địa được người trong nước đón mua, mình dùng lượng phân bón nhập khẩu, các loại thuốc bảo vệ thực vật như thế nào, ở mức độ nào thì sản phẩm mới xuất khẩu được chấp nhận, mới bán được trong nước dưới nhãn hiệu SẠCH.
Còn khi nông sản xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua biên giới sang Trung Quốc, thì không chỉ người sản xuất, mà cả thương lái, cả những cơ quan xuất nhập khẩu phải biết được chất lượng thật sự của sản phẩm, biết những rủi ro mà bên mua có thể gây ra cho mình, biết con đường lâu dài nhất, chính danh nhất, tự tin nhất để xuất khẩu là con đường chính ngạch, thì sẽ không còn tình trạng ùn ứ đau lòng như đã xảy ra trước tết vừa qua.
Tôi không làm nông nghiệp, không xuất khẩu nông sản, nhưng tôi cảm thấy rất đau trước tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu Việt - Trung, dẫn tới thua lỗ xót xa cho nông dân và cho những ai tham gia việc buôn bán nông sản này.
Vậy thì với nông dân bây giờ, nếu nhà nước không tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng, kiến thức, sự tính toán và cách làm “nông nghiệp thông minh” cho nông dân, thì câu chuyện nông dân ta thu nhập thấp vẫn sẽ diễn ra dài dài mà không biết làm sao khắc phục.
Nhưng cơ quan nào sẽ trang bị kiến thức nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp thị trường ở cấp cao cho nông dân, nếu không phải là Sở Nông nghiệp của chính các tỉnh thành trên toàn quốc?
Khi tôi tổ chức cho hai vợ chồng đứa cháu là nông dân ở quê làm “rau sạch 100%” để tôi mang bán trên tình anh em với vài ba người bạn, tôi nhận thấy, vốn liếng cháu tôi bỏ ra rất ít, không còn phải lo mua phân bón hóa học và thuốc trừ sâu giá cao “theo kiểu cũ” nữa. Tiết kiệm chi phí, bán rau sạch được hoan nghênh, vợ chồng cháu tôi thu nhập còn thấp nhưng đều đặn, không còn lo chuyện giật gấu vá vai nữa. Nhưng có một điều, đứa cháu tôi là nông dân kiểu “xưa bày nay làm”, thiếu kỹ năng và kiến thức nông nghiệp, lại chưa đủ trình độ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, nên chưa đa dạng và nâng cao được chất lượng sản phẩm, chưa tổ chức được sản xuất một cách hợp lý. Đó chính là “khoảng trống” mà nhà nước cần vào cuộc ngay để giúp nông dân, mà phải giúp một cách căn cơ, thật lòng, thông qua những hình thức tập thể như “Hội quán Đồng Tháp”, để chính người nông dân tiếp thu kỹ năng và kiến thức mới sẽ dạy cho nhau, nâng nhau lên.
Bình luận (0)