Khi Quang Hải, đội tuyển Việt Nam vào đề thi

22/12/2018 19:45 GMT+7

Những đề thi có 'nhắc nhẹ' đến các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam đã gây hứng thú cho học sinh, giúp học sinh bớt áp lực căng thẳng.

Quang Hải bị chơi xấu, Việt Nam vô địch vào đề thi

Mới đây, trong đề thi kiểm tra học kỳ 1 môn hóa của học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) có câu hỏi liên quan đến cầu thủ Nguyễn Quang Hải khiến học sinh rất thích thú.
Theo đó, đề thi đăng hình ảnh cầu thủ Quang Hải đang được các nhân viên y tế chăm sóc với nội dung như sau: “10 năm chờ đợi, 10 năm tin yêu và hy vọng, tối 15.12.2018 sẽ mãi được ghi nhớ trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Việt Nam vô địch AFF cup 2018. Đường đến vinh quang của thầy trò HLV Park Hang-seo, của những chiến binh quả cảm đầy hy sinh, gian khó. Suốt 90 phút của trận chung kết lượt về AFF cup 2018, Quang Hải liên tục trở thành mục tiêu 'chặt chém' của các cầu thủ Malaysia. Thậm chí tuyển thủ số 10 của Việt Nam phải rời sân ít phút sau pha phạm lỗi ở phút 56. Ngay lập tức đội ngũ y tế xuất hiện và dùng bình xịt tê giảm đau giúp Quang Hải khắc phục cơn đau nhanh chóng và có thể quay lại sân bóng ngay sau đó, cùng đồng đội chiến đấu hết mình đem cúp vàng AFF về cho Tổ quốc”.
Sau đó, đề thi đã nêu các thành phần trong bình xịt tê giảm đau và yêu cầu học sinh tìm loại liên kết để tạo nên thành phần bình xịt tê này.
Đề thi "nhắc nhẹ" đến việc Quang Hải bị chơi xấu ẢNH: H.T.P

Trước đó, trong đề thi học kỳ 1 môn văn lớp 12 cũng của trường này, có câu hỏi liên quan đến sự kiện đội tuyển Việt Nam đăng quang ngôi vô địch tại AFF cup 2018. 

Đề bài yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF cup 2018...
Được biết, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng của trường là người có ý tưởng đưa những chiến thắng giòn giã của đội tuyển bóng đá Việt Nam vào đề thi. "Tôi mong muốn giúp học sinh có sự thoải mái khi làm bài, cũng như giúp học sinh về lòng yêu nước qua những nỗ lực tận hiến của các cầu thủ trên sân bóng để đổi lấy những chiến thắng ấy", thầy Phú chia sẻ.
Ông Phạm Lê Thanh, giáo viên môn hóa, người ra câu hỏi trên, cho biết muốn học sinh thấy rằng hóa học cũng chính là cuộc đời. Hóa học không ở đâu xa lạ, nó hiện hữu ở cuộc sống hằng ngày, có mặt ở khắp mọi nơi, liên quan cả những vấn đề trên sân bóng.
  
Còn bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Du, thì cho biết sở dĩ đưa chiến thắng của đội tuyển Việt Nam vào đề thi vì muốn mang hơi thở của cuộc sống vào đề thi, cũng như muốn học sinh hiểu rằng để giành được chiến thắng vinh quang đó, các cầu thủ đã phải học tập, rèn luyện rất nhiều bởi không có chiến thắng nào là dễ dàng.
Nguyễn Quang Anh, HS của Trường THPT Nguyễn Du, cho biết cảm thấy rất thích những đề thi như thế, vì thấy vừa gần gũi, vừa "nhắc nhẹ" đến các cầu thủ đội tuyển Việt Nam, đã và đang là những thần tượng của Quang Anh và các bạn trong trường. 

Trước đó, trong đề thi học kỳ 1 môn sử dành cho học sinh lớp 12 của Trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) cũng đã đưa vào đề hình ảnh của đội tuyển Việt Nam tại AFF cup 2018.
Cách đây không lâu, trong đề thi 15 phút môn vật lý lớp 10, thầy Phạm Ngọc Đản, giáo viên môn vật lý của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng) cũng đã lấy tên và hình ảnh các cầu thủ đội tuyển bóng đá quốc gia làm mã đề khiến học sinh thích thú. Theo đó, có 4 mã đề được đánh dấu theo tên của các cầu thủ Bùi Tiến Dũng, Xuân Trường, Quang Hải và Công Phượng. 
Theo thầy Đản, việc dùng tên cầu thủ làm mã đề thi vừa tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho học sinh. Và thực tế, khi nhận đề, học sinh vừa ngạc nhiên, vừa thích thú.
Lấy hình ảnh các cầu thủ làm mã đề thi ẢNH: P.N.Đ

Mong đề thi THPT quốc gia cũng sáng tạo 

Đó là chia sẻ của nhiều học sinh sau khi được xem những đề thi kể trên. Lê Quang Tuấn, học sinh lớp 12, Trường THPT Tân Phong (TP.HCM), cho biết cảm thấy rất thích những đề thi có sự xuất hiện của những cầu thủ như thế.
"Vì những cầu thủ ấy được yêu thích rất nhiều, quen thuộc với mọi người Việt Nam, những ai xem bóng đá. Thế nên nếu đưa các cầu thủ vào đề thi, chắc chắn giới học sinh sẽ cảm thấy thích thú và tạo được sự hứng thú khi làm bài", Tuấn nói.
Nam sinh này cũng hy vọng trong các đề thi học kỳ sắp đến ở trường mình, cũng như kỳ thi THPT quốc gia, thì các giáo viên cũng sẽ có cách sáng tạo như thế.
Vũ Thị Lan Hương, học sinh lớp 11, Trường THPT Lương Thế Vinh (Tây Ninh) thì nói: "Cảm thấy ghen tị với các bạn học sinh trường Nguyễn Du, Lê Quý Đôn vì có các đề thi thú vị như thế".
Hương cho rằng những kỳ thi luôn khiến học sinh căng thẳng, mệt mỏi. Thế nên nếu giáo viên tâm lý, người ra đề tâm lý, thì việc chèn những thông tin gần gũi, trúng tâm lý yêu thích của học sinh, sẽ phần nào làm giảm áp lực cho học sinh. Đó cũng là cách để tạo động lực giúp học sinh làm bài thi tốt hơn.
Nguyễn Hoàng Huy, HS Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) cho biết: "Cũng một vấn đề, nhưng với hai cách ra đề khác nhau thì sự đón nhận của học sinh cũng khác nhau. Cách ra đề theo lối truyền thống, hỏi thẳng vào nội dung chính sẽ dễ khiến học sinh ngán, lo lắng. Nhưng nếu sáng tạo, đưa những thông tin về những tiêu điểm thời sự sẽ được học sinh thích hơn".
Bà Trần Mỹ Thanh, giáo viên Văn Trường THPT Hùng Vương (Long An), cho rằng có thể sẽ học hỏi cách ra đề mà trong đó lồng ghép những vấn đề nóng hổi, được giới trẻ quan tâm để tạo tâm lý thoải mái cho học sinh khi làm bài thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.