MONG HỌC SINH ĂN TẾT THẬT, ĐỪNG CHỈ SAY TẾT ẢO
Không khí ngày hội xuân đã rộn ràng trong nhiều trường học. Thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4, cho biết trường học nào trong những ngày trước tết cũng tổ chức nhiều hoạt động như cùng trang trí hoa mai hoa đào, dựng tiểu cảnh tết ở sân trường… để học sinh (HS) trải nghiệm tết Việt và lưu lại khoảnh khắc đẹp. Ngoài ra, các trường còn có hoạt động cùng gói bánh chưng, bánh tét giúp HS hiểu thêm về các loại bánh truyền thống.
Thầy Đảo cho rằng Tết Nguyên đán là dịp lý tưởng để cho HS được trải nghiệm thực tế những kiến thức về văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc VN - những điều mà ngày thường HS có thể chỉ thấy qua sách giáo khoa, phim ảnh, video clip trên YouTube… Chính vì lẽ ấy, thầy Đảo mong mỗi HS đừng đắm mình trong thế giới ảo của màn hình điện thoại mà quên đi tết thật đang ở ngay cạnh chúng ta.
Thầy Đỗ Đình Đảo cho hay năm nay TP.HCM cho HS nghỉ tết từ 24 tháng chạp. Được nghỉ tết sớm cũng là một dịp để các em đi tảo mộ cùng ông bà, cha mẹ, cùng người lớn dọn dẹp lại mộ phần tổ tiên cho quang đãng, sạch sẽ, thắp nén nhang thơm mời ông bà tổ tiên về ăn tết cùng con cháu. Đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân nguồn cội bao đời nay của người dân VN. Những hoạt động khác của ngày tết luôn có ý nghĩa thiêng liêng như: Trước tết, HS cùng cha mẹ đi chợ tết, mua chậu cúc, cành đào, chậu mai. Các em cùng người thân dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng những món ăn ngon. Mấy ngày tết, các em cùng gia đình đi chùa, chúc tết… "Tết lúc ấu thơ sẽ luôn là những cái tết trong trẻo, đẹp đẽ nhất nên các em đừng bỏ lỡ. Đó sẽ là những khoảng thời gian gắn kết các thành viên trong gia đình rất quý giá mà sau này khi lớn lên, trưởng thành, chúng ta nhớ lại và thấy quý giá vô cùng", thầy Đảo nhắn nhủ HS.
TẾT VUI KHỎE, XUÂN CHIA SẺ
Năm nay, Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.7 có nhiều hoạt động cho các HS hiểu về ngày tết quê hương. Cô Trần Tiểu Quỳnh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay từ tuần này trường đã có nhiều hoạt động. Đầu tiên là HS tự nguyện tham gia hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường bằng chuyến tham quan tới nông trại ở H.Bình Chánh. Các HS được sống trong cảnh quan được trang trí như ngày tết ở quê nhà, tham gia các trò chơi dân gian, ăn các món ăn ngày tết, được tự tay gói bánh tét, luộc bánh và mang thành phẩm về nhà.
Ngoài ra, trường cũng tổ chức hoạt động trải nghiệm để mọi HS có thể tham gia. Các em cùng vẽ thiệp xuân, làm cành hoa mai hoa đào, trang trí lì xì. Ngày 22 tháng chạp, tại trường có phiên chợ ngày tết với các gian hàng ẩm thực, bán đấu giá các bức tranh của HS vẽ, mời phụ huynh vào tham gia đấu giá gây quỹ…
"Tiền thu được từ các hoạt động, phiên đấu giá tranh sẽ được nhà trường công khai và dùng để tặng cho các HS có hoàn cảnh khó khăn trong trường và các HS có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ đang được nuôi dưỡng trong chùa, nhà tình thương trên địa bàn Q.7. Chúng tôi mong muốn thông qua hoạt động này giúp các em HS học được tinh thần chia sẻ. Tết ý nghĩa hơn khi mỗi em HS cùng biết quan tâm, sẻ chia tới những người bạn thiệt thòi bên cạnh", cô Quỳnh nói.
Đồng thời, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám nhắn nhủ tới các HS trong những ngày nghỉ thì đừng chỉ ăn tết, chơi tết hay cả ngày cầm điện thoại, iPad. HS còn cần hiểu tết thông qua việc thực hành những gì đã được học ở trường để phụ giúp ông bà cha mẹ. Hiểu tết từ việc cắm cành hoa đào, trang trí chậu mai, viết thiệp chúc tết, làm những món bánh truyền thống hay phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, cùng nấu bữa cơm gia đình… Những việc nho nhỏ như vậy đều giúp gắn kết các thành viên và giúp HS hiểu ý nghĩa của việc đoàn viên trong những ngày năm mới.
Cô Phạm Bảo Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Phong, Q.7, cho hay năm nay Tết Nguyên đán đến sớm hơn, việc chuẩn bị cho ngày tết vội vã nên các gia đình cũng sẽ có rất ít thời gian. Tuy nhiên, theo cô Hạnh, phụ huynh cũng cố gắng cho các bé được về thăm và chúc tết ông bà, người thân nhằm tôn vinh giá trị truyền thống yêu gia đình. Bên cạnh đó, việc quan tâm đến sức khỏe và dinh dưỡng của con trẻ rất quan trọng, ba mẹ nhắc nhở các bé không ăn uống quá nhiều đồ ngọt, ăn đủ bữa và đảm bảo về chất, khuyến khích trẻ uống thêm sữa, ăn nhiều trái cây tươi và rau chín để tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong những ngày tết.
MANG TẾT XƯA VỀ TẾT NAY
Từ đầu tháng chạp, lớp mầm non Ngôi Nhà Ta Tu (Vinhomes Grand Park, TP.Thủ Đức) đã tổ chức nhiều hoạt động để các trẻ em được trải nghiệm không khí tết cổ truyền. Không gian quanh lớp được trang trí hoa mai, hoa cúc. Trẻ nhỏ, cô giáo cùng mặc áo dài đủ sắc màu, dạo quanh những sạp hàng bán những món đồ nhỏ xinh, gian hàng gấu bông tặng bạn, cùng nhâm nhi bánh mứt, uống trà và nghe cô giáo kể chuyện Tết Nguyên đán. Để có trải nghiệm sống động về ngày tết truyền thống, các bé mầm non còn được tự tay làm mứt dừa, cùng gói bánh chưng… dưới sự hướng dẫn của các cô giáo.
Những ngày qua, không khí đón tết cũng rộn ràng tại Trường mầm non Sao Mai, Q.8. Không gian trường học được trang trí với màu sắc rực rỡ ngày tết. Trẻ em mặc áo dài, áo bà ba, mang nón lá, cùng các cô giáo làm món ăn đặc sản tết như mứt me, bánh tét, bánh đậu phộng, mứt mãng cầu… Trẻ em trong độ tuổi mầm non học thông qua chơi nên các hoạt động vui chơi có chủ đích, giàu tính sáng tạo như làm các món bánh kẹo, trò chơi dân gian… sẽ giúp trẻ được rèn luyện khả năng vận động; phát triển tư duy, ngôn ngữ, kỹ năng cảm xúc, kỹ năng xã hội…
Cho học sinh viết văn thuyết minh về phong tục ngày tết
Trong chương trình Ngữ văn lớp 11, bộ Chân trời sáng tạo, có phần hoạt động viết về dạng văn bản thuyết minh. Nhiều giáo viên đã tận dụng bài học này để giúp các em ý thức hơn về phong tục tết cổ truyền người Việt.
Là một thầy giáo dạy văn, người viết cũng đã từng cho HS làm bài kiểm tra đề tài này. HS rất thích thú, đề tài các em chọn cũng rất đa dạng từ tục xông đất, tục lì xì, đến tục nấu bánh chưng bánh dày ngày tết, tục thờ cúng tổ tiên...
Có một HS viết trong bài về ý nghĩa của tục thờ cúng tổ tiên như sau: "Hình ảnh của những người đã khuất luôn hiện hữu trong đời sống của những thành viên gia đình. Chết không phải là mất đi, mà là một dạng chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác và tổ tiên cũng tồn tại ở một thế giới siêu hình mà con người không thể nhìn thấy được. Bàn thờ là nơi con cháu lưu giữ những hình ảnh thân thuộc về những người đã khuất. Việc thờ cúng gia tiên khơi dậy trong con cháu ký ức về tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn và xuất phát từ lòng hiếu kính, ân thâm nghĩa trọng. Nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người ngay từ lúc còn thơ bé, vì: Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu/Người ta nguồn gốc từ đâu?/Có cha có mẹ rồi sau có mình".
Trong xu thế phát triển và hội nhập toàn cầu mạnh mẽ ngày nay, nhiều hủ tục tết bị sàng lọc là điều tất yếu, song với những phong tục tốt đẹp thì cần phải giữ gìn, phát triển. Bởi vì, mất phong tục là mất văn hóa, mà mất văn hóa là mất bản sắc của dân tộc.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)