Khi Thủ tướng sốt ruột

30/03/2023 04:05 GMT+7

GDP quý 1 ước chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ. Nếu không tính tốc độ tăng của năm 2020, năm Covid-19 bùng phát thì đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 12 năm qua.

Công bố của Tổng cục Thống kê hôm qua không làm nhiều người quá bất ngờ bởi khó khăn đã được dự báo trước nhưng người sốt ruột nhất có lẽ là Thủ tướng.

Trước đó, ngày 27.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục "thúc" các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS). Người đứng đầu Chính phủ "giục" Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5 - 2% cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng chung cư cũ; rà soát giảm chi phí - hạ lãi suất cho vay. Các NH tạo điều kiện cho chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận và dành vốn cho các dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng bán sản phẩm và trả nợ. Các bộ tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nhất là các dự án có phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) hay có bảo lãnh, vay vốn NH. Thủ tướng yêu cầu DN BĐS điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, đưa giá nhà ở về mức hợp lý... Đây cũng là nội dung Nghị quyết 33 của Chính phủ có hiệu lực ngày 12.3 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS.

Nghĩa là chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã 2 lần trực tiếp chỉ đạo giải quyết các nút thắt về pháp lý và dòng tiền, chưa kể trong các cuộc họp liên quan đến vấn đề này. Tương tự với lãi suất, từ đầu năm tới nay, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu NHNN nghiên cứu giảm lãi vay "một cách thực chất". Trong các phiên họp Chính phủ, các cuộc họp chuyên đề, họp với DN BĐS, du lịch, DN nhỏ và vừa..., thì giảm lãi vay luôn là vấn đề được người đứng đầu Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Điều đó cho thấy Thủ tướng đã và đang hết sức sốt ruột bởi người đứng đầu Chính phủ hiểu rất rõ, vai trò và sự tác động của BĐS, của lãi suất cao với nền kinh tế. Không chỉ đóng góp 11% GDP, BĐS còn liên quan tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác.

Đơn cử như xây dựng, hiện hầu hết các DN ngành này đều rơi vào tình trạng bị chủ đầu tư nợ, và vì thế, họ nợ NH, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế. Nhiều dự án, công trình, trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công. Nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không thể thực hiện được. Mới nhất, 21 công ty xây dựng đã có đơn gửi Thủ tướng và các bộ ngành liên quan kêu cứu. Nhìn rộng ra toàn thị trường, lãi suất cao - tiếp cận vốn khó khăn đang là nút thắt phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề. Và kết quả được phản ánh rất rõ ở GDP quý 1 như nói trên.

Tăng trưởng GDP quý không cao, nhưng sau các chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, các nút thắt đang được tháo cởi. Mặt bằng lãi suất đã và đang giảm, các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế bắt đầu được khơi thông trở lại, gói vay 120.000 tỉ đồng chuẩn bị kích hoạt, đầu tư công quyết liệt đẩy nhanh... Trên nóng, nếu các bộ, ngành, địa phương, DN cũng rốt ráo thực hiện các giải pháp thì chắc chắn, GDP quý sau và năm nay sẽ phục hồi trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.