Khi TikToker trở thành nỗi sợ của nhiều người

02/08/2022 11:06 GMT+7

Ngày nay, mạng xã hội phát triển, nhiều TikToker hoạt động sôi nổi, tuy nhiên việc họ sáng tạo nội dung trên nền tảng này khiến một số người phải... lo sợ.

Một số chủ quán bị ảnh hưởng không ít bởi các TikToker

hà ngư

Để trở thành TikToker thì chỉ cần đăng video bất kỳ lên nền tảng này. Tuy nhiên, việc làm ấy ít nhiều ảnh hưởng đến người khác nếu không cẩn trọng.

Nội dung "gây chiến” luôn thu hút người xem

Điển hình như câu chuyện anh L.T.Quang (33 tuổi, chủ một quán cà phê tại TP.HCM) từng bị "dân mạng" hiểu lầm khi một TikToker quay video về tiệm mà không đầy đủ sự thật.

Anh Quang kể: "Chủ đạo của quán tôi là trồng hoa thật. Đợt đó, có bạn TikToker đến quay ngay thời điểm nhân viên đang cải tạo lại đất, do không hỏi rõ sự tình nên nội dung trong video chủ yếu nói 'quán lừa gạt, hoa đâu không thấy', 'có một trải nghiệm không tuyệt vời', từ đó khách vô chửi quán quá trời".

TikToker tên D. có hơn 200.000 lượt theo dõi cho biết: "Khi đến những quán không có thuê quảng cáo thì tôi nhận xét theo cảm nhận bản thân, khen hay chê là quyền của mình. Tuy nhiên những nội dung 'gây chiến' luôn thu hút người xem, nhờ các video đó mà lượt tương tác của tôi cao lên".

Bên cạnh đó, trong buổi livestream với "fan" của mình, nữ TikToker có hơn 1,5 triệu lượt theo dõi đã từng chia sẻ rằng một số chủ cửa hàng, quán ăn phải e dè, sợ và lo lắng khi chị đến dùng bữa hoặc mua đồ.

"Ôm cục tức vô người"

Ngược lại, một số bạn trẻ cũng từng bị ảnh hưởng khi lỡ tin vào những lời quảng cáo của các TikToker. Anh Nguyễn Luận (26 tuổi, làm nhân viên văn phòng tại số 123 Võ Văn Tần, TP.HCM) cho hay: "Tôi từng đến quán ăn có TikToker quảng cáo rầm rộ, khen hết lời nhưng khi dùng đồ ăn thì tôi thấy không ngon như những gì họ nói, lúc đó chỉ biết ôm cục tức vào người".

Chỉ cần biết một số thủ thuật quay, dựng thì mọi người dễ dàng trở thành một TikToker

nvcc

Còn anh N.V.Trung (31 tuổi, chủ quán chuyên đồ ngọt như bánh, chè ở đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM) cũng phải e dè khi nói đến TikToker. Trước đó, đầu năm 2021, anh Trung cũng từng chi hơn 10 triệu đồng để thuê 3 TikToker lần lượt có 400.000 - 600.000 người theo dõi quảng bá đồ ăn tại tiệm của mình. Tuy nhiên, mọi việc không như anh mong muốn.

"Những video của họ làm cho tôi rất gượng ép, không theo tôn chỉ mà quán hướng đến. Khi đăng lên, lượt tương tác khá ít và "chìm" xuống sau 10 ngày", anh Trung than thở.

"Nhiều người chửi thì tôi được biết đến nhiều hơn"

Chuyên quay các video chia sẻ cảm nhận đồ ăn, thức uống, một nam TikToker tên H. có gần 400.000 lượt lượt theo dõi cho hay để có thêm chi phí anh hay nhận các hợp đồng quảng cáo với giá tiền phụ thuộc vào... độ "hot" của mình.

"Nhận tiền rồi, tất nhiên sẽ cố gắng giúp quán nổi tiếng, nhưng bên tôi sẽ không cam kết về lượt xem video hay năng suất bán được hàng của quán sau khi "lên bài", cái đó còn dựa vào hên xui", anh H. nói.

Chúng tôi còn hỏi: "Nếu quảng cáo mà người khác đến ăn rồi thất vọng thì sao?". H. nói: "Mỗi người một khẩu vị. Tuy nhiên, nếu nhiều người chửi thì tôi được biết đến nhiều hơn".

Mệt mỏi với trò đùa của các TikToker

Chiều ngày 1.8, nam ca sĩ trẻ Erik phải lên tiếng xin lỗi người hâm mộ vì trong show diễn tối ngày 31.7 của anh, nhiều người tham dự trực tiếp đã liên tục hô to từ ngữ phản cảm khi anh đang trình diễn.

Erik viết: "Việc được khán giả trong chương trình ủng hộ là một điều Erik rất xúc động và biết ơn, nhưng số ít khán giả có mặt lúc đó đã cổ vũ theo 'trend' bị cho là phản cảm nằm ngoài sự kiểm soát của Erik và phía ekip".

Erik xin lỗi người hâm mộ

nvcc

Được biết, từ ngữ phản cảm đó là "thuốc hồi trinh" do TikToker Phạm Thoại nói thường xuyên khi "lên sóng", sau đó được cư dân mạng "phát tán", gán ghép vào câu chuyện đời sống.

Chưa dừng lại ở đó, từ ngữ trên được các TikToker bắt "trend" liên tục bằng những video như "đến nhà thuốc mua viên hồi trinh", "cô có bán thuốc lá hồi trinh không"... gây phiền hà không ít người.

Các trò đùa vô bổ của TikToker gây phiền hà cho nhiều người

cmh

Từng là "nạn nhân" của trò đùa trên, chị N.Q.Như (33 tuổi, chủ một tiệm thuốc Q.6, TP.HCM) than thở: "Tôi đang nghỉ trưa thì có một bạn gí điện thoại vào tiệm và liên tục hỏi "có bán thuốc hồi trinh không chị", tôi đã đơ người vài giây vì không biết đó là thứ gì. Đến tối, tôi có lên mạng tìm hiểu xem thì biết đó là một 'trend' đang được quan tâm. Thật sự tôi rất mệt mỏi với các trò đùa vô bổ này của các TikToker".

"Tôi thấy một số người thực hiện 'trend' này đều có lượt tương tác cao, nên đã bắt chước đến nhà thuốc quay video. Sau khi đăng lên kênh TikTok cá nhân, cộng đồng mạng bảo rằng hài hước, nhưng cũng có một số người 'ném đá' vì họ cho rằng làm ảnh hưởng đến người khác", nam TikToker N.T.H ở TP.HCM, thường "bắt trend" với từ ngữ nhạy cảm cho hay.

Nên suy nghĩ trước khi hành động

Thầy Phạm Thanh Tuấn,Trưởng bộ môn giáo dục công dân Trường THCS - THPT Diên Hồng, TP.HCM cho hay mọi người cần lựa chọn thông tin phù hợp trên mạng xã hội để theo dõi, đừng nên làm theo những trào lưu mang tính nguy hiểm và không phù hợp với các chuẩn mực văn hóa.

"Các bạn trẻ, đặc biệt là TikToker nên suy nghĩ trước khi tạo ra một video nào đó trên mạng xã hội. Tránh những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân chỉ vì mục đích là thu hút sự tương tác mà quên đi rằng việc đó nó có ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, thậm chí vi phạm pháp luật", thầy Tuấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.