Khi Tổng thống Philippines Duterte bỗng dưng ‘đổi giọng’ với Trung Quốc

21/04/2021 11:29 GMT+7

Dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa đưa ra thông điệp sẵn sàng sử dụng vũ lực đối phó Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng khó có thể kỳ vọng ông hành xử cứng rắn một cách nhất quán với Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post ngày 20.4 dẫn lời Tổng thống Duterte tuyên bố ông sẵn sàng điều động tàu chiến đến biển Đông để đối phó với tàu Trung Quốc đang hiện diện tại đây.

Tuyên bố cứng rắn

Phát biểu trong cuộc họp ngắn vào hôm qua 19.4, ông Duterte cho rằng: “Bây giờ tôi không còn hứng thú lắm với việc đánh bắt cá. Tôi không nghĩ có nguồn thủy sản đủ lớn để các bên phải tranh giành nhau”.

“Nhưng khi chúng ta bắt đầu khai khoáng, khi chúng ta có thể thu được nguồn lợi từ các mỏ dầu khí dưới đáy biển, thì tôi sẽ điều tàu chiến đến để giành quyền sở hữu”, Tổng thống Philippines nói và đe dọa rằng khi nước này hành động như vậy thì hậu quả có thể rất “đẫm máu”.

Tàu tuần duyên Philippines (2404) hoạt động gần tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông

AFP

Đây là lần đầu tiên ông Duterte đưa ra tuyên bố về Biển Đông kể từ khi Trung Quốc hồi đầu tháng 3 bị phát hiện đã điều động hàng trăm tàu dân binh đến khu vực quần đảo Trường Sa thuộc vùng biển này.

Thực tế hành xử

Thực tế, suốt từ đó đến nay, dù nhiều quan chức Philippines lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc, Tổng thống Duterte gần như im lặng. Điều này dẫn đến sự bức xúc mạnh mẽ trong dư luận lẫn chính giới Philippines.

Mới đây, Đài 9news đưa tin bà Leila de Lima, Thượng nghị sĩ đối lập Philippines, lên tiếng yêu cầu ông Duterte thôi bị “thuần phục” trước Trung Quốc. Qua đó, bà nghị sĩ yêu cầu ông Duterte cần có lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, kể từ khi nhậm chức vào năm 2016, Tổng thống Duterte luôn tỏ ra “hữu hảo” với Trung Quốc. Gần như chưa bao giờ ông sử dụng thắng lợi của Philippines trong vụ kiện lên Tòa trọng tài quốc tế (PCA) về Biển Đông để gây áp lực đối với Trung Quốc.

Thậm chí, ông còn nhiều lần ca ngợi Trung Quốc như một “người bạn tốt” của Philippines, bởi Manila đã nhận được đầu tư hàng tỉ USD từ Bắc Kinh.

Tổng thống Duterte trong cuộc gặp ông Tập Cận Bình vào năm 2019 ở Bắc Kinh

Reuters

Ngày 29.8.2019, trong khuôn khổ chuyến thăm tới Bắc Kinh, Tổng thống Duterte đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình. Qua đối thoại, hai bên quyết định thành lập ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và ủy ban hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước để xúc tiến việc thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông với tỷ lệ ăn chia 60 - 40 nghiêng về Philippines.  

Trả lời Thanh Niên khi đó, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định: “Việc Trung Quốc và Philippines hợp tác thăm dò dầu khí chung trên Biển Đông sẽ gây khó cho ASEAN. Cụ thể, ASEAN hoạt động dựa trên sự đồng thuận với từng vấn đề cụ thể. Vì thế, khi giải quyết các vấn đề giữa ASEAN với Trung Quốc, điển hình là tranh chấp Biển Đông, mà một thành viên của ASEAN có quyền lợi liên quan gắn chặt với Bắc Kinh, thì hiệp hội khó có thể đạt được sự đồng thuận”.

Sự “hữu hảo” như thế đã kéo dài suốt thời kỳ ông Duterte cầm quyền. Ngay cả đến đầu tháng 4 mới đây, người phát ngôn của ông Duterte còn khẳng định: “Bất kể sự khác biệt nào giữa chúng ta với Trung Quốc ... nó sẽ không phải là trở ngại cho quỹ đạo tích cực tổng thể của quan hệ hữu nghị song phương và sự hợp tác ngày càng sâu rộng của chúng ta (trong) ứng phó với đại dịch, bao gồm hợp tác vắc-xin và phục hồi kinh tế (sau đại dịch)”.

Từ các thực tế trên, tuyên bố cứng rắn mà Tổng thống Duterte vừa đưa ra với Trung Quốc nhiều khả năng chỉ nhằm xoa dịu dư luận nội bộ Philippines vốn đang chỉ trích ông mạnh mẽ.

Chiều 25.3, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sự hiện diện thường xuyên của hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc tại khu vực bãi Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như việc phía Philippines gần đây lên tiếng về sự kiện này và yêu sách chủ quyền với khu vực trên.

Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hơp với luật pháp quốc tế. Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.