Khi trẻ em bị bạo hành: Cần sự bảo vệ, can thiệp của cả cộng đồng

28/12/2021 12:50 GMT+7

Những vụ bạo hành trẻ em gần như năm nào cũng được truyền thông phản ánh và cứ lặp đi lặp lại. Nếu chỉ tập trung kết tội thủ phạm thì chúng ta không thể giải quyết được hết gốc rễ của vấn đề.

Đó là chia sẻ từ góc nhìn giáo dục của bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tại TP.HCM (nghiên cứu sinh ngành thiết kế và lãnh đạo giáo dục tại ĐH Illinois, Mỹ) về vấn đề bạo hành trẻ em.

Cư dân tưởng niệm bé gái 8 tuổi nghi bị mẹ kế bạo hành đến tử vong

Khi cái ác được cả cộng đồng dung dưỡng

Vụ việc bé gái 8 tuổi nghi bị bạo hành ở Q.1, TP.HCM khiến dư luận không khỏi bức xúc và đau lòng. Không ít người mong muốn thủ phạm nhanh chóng bị xét xử, nhưng với nhiều nhà chuyên môn, để những vụ bạo hành trẻ em không còn xảy ra thì cần phải xây dựng nhận thức cho cả xã hội.

Người dân chung cư - nơi bé gái sống cùng cha ruột và mẹ kế tổ chức buổi tưởng niệm tối 27.12

VŨ PHƯỢNG

Từ sự trải nghiệm của mình với nhiều gia đình ở nhiều địa phương khác nhau, bà Uyên Phương nhận thấy “có cha mẹ nào không thương con” không phải là câu nói đúng.

Theo nhà nghiên cứu này, có những bậc cha mẹ không hoàn hảo, vô tình làm điều ác với con mình dù không cố ý vì chính họ là một sản phẩm giáo dục không hoàn hảo, có thể bị bạo hành trước đó nên xem bạo hành (bằng cả lời nói và bạo lực) như một thói quen được chấp nhận.

Bà Uyên Phương đồng thời nhấn mạnh xã hội không thể áp dụng lý luận cho rằng “con của ai thì người đó dạy”.

"Do đó, chúng ta cần có cơ chế cộng đồng bảo vệ trẻ em. Lý do là nếu một người làm điều ác mà không bị giám sát thì sẽ tự cho rằng đó là chuyện hiển nhiên được phép làm. Trong những vụ bạo hành trẻ em, tôi tin rằng thủ phạm đều không mong muốn làm chết đứa trẻ để mình bị dính vào cảnh tù tội. Nhưng khi họ đã bạo hành trẻ em trong thời gian dài nhưng không bị ngăn chặn thì hành vi ác của họ cứ gia tăng cấp độ theo thời gian và gây ra hậu quả đau lòng”, bà Uyên Phương phân tích.

Cái ác sẽ được dung dưỡng khi thiếu đi sự giám sát. Nếu những người xung quanh can thiệp, giám sát, phản ánh lên chính quyền, lên tiếng bảo vệ trẻ thì việc bạo hành sẽ giảm đi và ngược lại, theo bà Uyên Phương.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, trẻ em chịu nhiều thiệt thòi là không được đến trường. Bà Uyên Phương lưu ý, nếu trẻ bị bạo hành được đến trường thì giáo viên có thể thấy được những vết bầm tím trên cơ thể hoặc biểu hiện khác thường để có hành động bảo vệ kịp thời.

Nhà nghiên cứu này tâm tư: "Tại sao trong giai đoạn này, chúng ta toàn bàn đến chuyện làm sao cho học sinh kịp chương trình để không bị hổng kiến thức… mà không thấy ai quan tâm đến đời sống tinh thần của các em thế nào khi phải ở nhà liên tục hơn 7 tháng nay, không có sự kết nối với xã hội, bạn bè và thầy cô? Điều đáng lo ngại hơn là đứa trẻ lớn lên cần cả một cộng đồng để nuôi dạy chứ không thể là sản phẩm giáo dục duy nhất của cha mẹ. Nếu cha mẹ không phải từ mẫu, thì hệ lụy mà các em phải gánh chịu trong thời gian này là quá khủng khiếp, đứa trẻ sẽ vô cùng đơn độc".

Ông N.Q.V, bác ruột của bé N.T.V.A - bé gái 8 tuổi nghi bị bạo hành đến tử vong, đã đến Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM nhờ trợ giúp pháp lý

SONG MAI

Trẻ em bị đánh là bình thường?

“Chừng nào trẻ em trong gia đình vẫn bị đánh và người ta nghiễm nhiên coi đánh đập là dạy dỗ, “thương cho roi cho vọt” là bình thường thì chừng đó còn nhiều bé sẽ bị bạo hành, đánh đập, thậm chí mất cả tính mạng”, chị Hà Ngọc Nga, nhà sáng lập Trường mầm non TatuSchool và Tổ chức Tatuplay - dắt trẻ đi chơi (TP.Thủ Đức, TP.HCM), chia sẻ.

Theo chị Nga, một số người còn mặc nhiên nhân danh tình yêu để tha hồ xúc phạm nhân phẩm và thân thể của trẻ em và xem đó là chuyện bình thường.

"Chúng ta có công an, cơ quan bảo vệ trẻ em và luật bảo vệ trẻ em... nhưng vẫn còn thiếu tiếng nói mạnh mẽ phản đối những hành vi hành hạ trẻ em. Tôi đang tự hỏi với tất cả sự căng thẳng của đại dịch, có bao nhiêu trẻ em đang bị bạo hành trong gia đình”, chị Nga nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.