Khi trẻ em “được nói”

28/07/2019 07:00 GMT+7

Phải chăng chính tư duy cởi mở đã khiến các thầy cô đón nhận và trả lời đề xuất của một cô bé 11 tuổi với tâm thế hoàn toàn tự nhiên?

Việc Nguyệt Linh, cô bé vừa học xong lớp 5 Trường Marie Curie Hà Nội viết thư ngỏ gửi tới hơn 40 hiệu trưởng đề nghị không hoặc hạn chế thả bóng bay trong ngày lễ khai giảng sắp tới để bảo vệ môi trường không chỉ là một “hiện tượng” có sức lan tỏa về vấn đề môi trường mà còn là câu chuyện đáng suy nghĩ của ngành giáo dục.
Sau khi bức thư của cô bé được đăng tải, nhiều người lớn cũng ngưỡng mộ, không chỉ về tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường mà còn ở việc cô bé 11 tuổi không ngần ngại nói lên mong muốn, suy nghĩ của mình với những người có thẩm quyền.
Đáng suy nghĩ còn ở chỗ, bức thư của cô bé ngay lập tức được thầy Hiệu trưởng Trường Marie Curie đáp lại với tất cả sự trân trọng kèm theo nhắn nhủ: “Thầy rất tự hào về con”. Không chỉ đồng ý sẽ chấm dứt thả bóng bay, thầy hiệu trưởng còn quyết định sẽ đặt tên cô bé cho lễ khai giảng của trường vào ngày 5.9 sắp tới.
Nguyệt Linh cho biết em đã vui sướng, cảm động khi nhận được phúc đáp của thầy hiệu trưởng. "Nếu bức thư đề xuất ý kiến của con gửi đi và rơi vào im lặng thì rất có thể lần sau con sẽ không dám nghĩ tới chuyện ấy nữa. Nhưng chỉ cần một lời đáp lại thôi, con sẽ được khích lệ và sẽ có ý thức hơn về việc đó", Nguyệt Linh nói với PV Thanh Niên.
Tại sao việc một em bé lên tiếng đề nghị mọi người chung tay bảo vệ môi trường, một vấn đề không hề mới nhưng khi được chính hiệu trưởng của em trân trọng hưởng ứng, lại trở thành một “hiện tượng”? Đơn giản chỉ vì nó là điều quá hiếm gặp trong các nhà trường hiện nay, khi việc thầy nói, trò nghe... đã trở thành khuôn mẫu. Vài năm trở lại đây, những nhà giáo dục và các bậc phụ huynh cấp tiến mới nhận ra rằng, chính điều đó đang giết chết sự sáng tạo và khác biệt của trẻ em, biến tất cả trở thành một "sản phẩm đồng phục" của giáo dục.
Ngành giáo dục cũng nhiều lần hô hào đổi mới, phát huy năng lực và sự sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, theo dõi của PV cho thấy, sự thay đổi theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, khuyến khích các em bày tỏ chính kiến của mình mới có sự chuyển biến ở hệ thống các trường ngoài công lập. Câu chuyện bức thư của Nguyệt Linh là một ví dụ, sau 1 ngày thư được gửi tới 40 địa chỉ email của các trường, 3 hiệu trưởng trả lời đều đến từ các trường tư thục.
Phải chăng chính tư duy cởi mở đã khiến các thầy cô đón nhận và trả lời đề xuất của một cô bé 11 tuổi với tâm thế hoàn toàn tự nhiên? Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chính vì từ nhỏ Nguyệt Linh đã học ở trường tư thục, nơi thầy cô giáo tôn trọng ý kiến của HS nên mới có bức thư của em ngày hôm nay.
Dù đề cao ý thức cá nhân của em nhưng không thể phủ nhận một phần đó là sản phẩm giáo dục của mỗi nhà trường. Xã hội muốn phát triển, rất cẩn những "sản phẩm" giáo dục như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.