Khi trọng tài ngại ‘va’ với VAR

29/07/2023 17:08 GMT+7

Ngày 27.7.2023 đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi VPF đã chính thức sử dụng VAR cho một trận đấu của V-League, trong cuộc đối đầu giữa Viettel và đội Hà Tĩnh trên sân Hàng Đẫy. Và ngay lập tức VAR đã chứng tỏ giá trị khi hoạt động hết công suất.

Giá trị thực của VAR

Trong hiệp 1 của trận đấu, VAR đã tham gia vào một tình huống trên sân - tình huống vào bóng bằng gầm giày của Paulo Pinto ở phút thứ 10, một chiếc thẻ vàng được rút ra trước sự phản ứng của các cầu thủ Viettel. Ngay lập tức VAR vào cuộc và sau khi xem lại băng hình từ những góc quay kỹ thuật, trọng tài VAR Mai Xuân Hùng đã đồng ý với quyết định của trọng tài Ngô Duy Lân. Trận đấu chỉ tạm dừng vài chục giây sau cuộc trao đổi nhanh giữa các bên liên quan.

Trọng tài Ngô Duy Lân

MINH TÚ

Sang hiệp 2, điểm nhấn là tình huống dẫn đến bàn thắng thứ 2 của Hoàng Đức sau đường chuyền dọn cỗ của Essam. Hoàng Đức di chuyển, nhận bóng và ghi bàn ở vị trí nhạy cảm, ranh giới của việt vị hay không. Và trước khi chuyền bóng cho Hoàng Đức, Essam cũng đã có một tình huống tranh chấp khá mạnh với đối thủ. 

Tổ trọng tài điều hành trực tiếp trận đấu đã công nhận bàn thắng của Viettel và ngay lập tức VAR cũng vào cuộc. Pha va chạm của Essam, vị trí bắt đầu di chuyển của Hoàng Đức khi bóng rời khỏi chân Essam cũng đã được kiểm tra. Trong tình huống nhạy cảm này thì trọng tài Ngô Duy Lân và trợ lý số 1 Nguyễn Trung Hậu đã làm rất tốt khi đưa ra được một quyết định nhanh và chính xác: công nhận bàn thắng hợp lệ của Hoàng Đức. Tổ VAR cũng đã phát huy tác dụng khi hỗ trợ kiểm tra pha bóng một cách tỉ mỉ, chi tiết và chính xác hơn. Đây thực sự là một quyết định quan trọng.

Nếu không có VAR và tổ trọng tài bắt lỗi việt vị Hoàng Đức sai, bàn thắng không được công nhận, tỷ số vẫn là 1-0 thì rất có thể trận đấu sẽ có những diễn biến khác.

Nhưng…

Điều đáng chú ý, ở tình huống dẫn đến bàn thắng của Hoàng Đức, tổ VAR đã phải kiểm tra tới hơn 5 phút trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Điều hiếm thấy ở các trận đấu đỉnh cao của châu Âu và thế giới. Giải bóng đá chuyên nghiệp Thai League cũng hiếm những trường hợp tương tự. Điều quan trọng là chỉ cần quan sát bằng mắt thường qua những camera làm chậm của truyền hình thì cũng đã đủ kết luận đó là bàn thắng hợp lệ. Cam cận cuối sân đã cho thấy Essam không hề phạm lỗi và cam việt vị trên khán đài A với những điểm dừng chính xác thời điểm bóng rời chân tiền đạo người Ai Cập, cũng đã dễ dàng cho chúng ta kết luận Hoàng Đức chưa ở vào vị trí việt vị. Nhưng không hiểu vì sao bộ máy hoạt động ở xe VAR phải mất tới 5 phút 5 giây mới đưa ra được quyết định cuối cùng. Nguyên nhân là do công nghệ đo trắc địa mặt sân của công nghệ không khớp được với hình ảnh thực tế của truyền hình.

Chính pha xử lý hơi cồng kềnh của VAR đã làm trận đấu gián đoạn trong khoảng thời gian quá dài, cầu thủ chờ đợi mỏi mòn. Điển hình là Hoàng Đức phải liên tục đứng lên ngồi xuống căng cơ thư giãn và khi bàn thắng được công nhận thì cảm xúc phần nào đã nguội lạnh. Những người còn lại cũng bị mất nhịp thi đấu cường độ cao và khán giả trên sân hay khán giả chứng kiến qua sóng truyền hình phần nào cũng mất đi sự hào hứng.

Ở tình huống Viettel được hưởng quả phạt đền phút bù giờ. Trọng tài chính Ngô Duy Lân ở một góc quan sát thuận lợi đã không cho rằng đó là một pha phạm lỗi. Nhưng từ sự hỗ trợ, tư vấn của tổ VAR thì người điều hành trận đấu đã xem lại băng hình và thay đổi quyết định. Đó là quả phạt đền dành cho Viettel và chiến thắng chung cuộc 4-0 nghiêng về phía đội chủ nhà. Đó là một tình huống không ảnh hưởng nhiều đến kết quả của trận đấu nhưng lại có những vết gợn về năng lực của tổ trọng tài và sự phối hợp giữa họ và tổ VAR. Và quan trọng hơn qua những hình ảnh và góc quay trên truyền hình thì nhiều người lại cho rằng đó không phải là một quả phạt đền. Những góc quay chậm cho thấy Janclesio của đội Hà Tĩnh là người đã chích được mũi giày làm thay đổi được hướng bóng trước khi có va chạm cơ thể với tiền đạo Danh Trung của Viettel. Phải chăng có vấn đề về năng lực đọc, phân tích tình huống của người cầm còi hay trọng tài đã thực sự ngại "va" với VAR trong ngày ra mắt.

Khi được hỏi về những vấn đề lo lắng khi đưa VAR vào vận hành tại V-League, Trưởng ban Trọng tài của VFF, ông Đặng Thanh Hạ đã nhắc đến yếu tố con người. "Máy móc cách thức vận hành thì có quy trình đào tạo của FIFA, học nhiều, làm nhiều sẽ quen tay. Cái khó nhất là đọc và phân tích hình ảnh, nhận định tình huống vẫn là phạm trù riêng của các trọng tài".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.