Nhận định này được nêu ra tại hội thảo Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường ĐH và CĐ do Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam tổ chức sáng nay 2.10.
“Rác” của xã hội
PGS-TS Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa du lịch, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nói hiện các cơ sở đào tạo ĐH đang tăng nhanh nhưng chất lượng chưa tương xứng nên đang trở thành vấn nạn.
“Chúng ta đưa ra thị trường quá nhiều trường nhưng không đáp ứng được thực tế lại tạo ra 'rác' của xã hội. Tỉnh nào cũng có trường ĐH nhưng không phải trường nào cũng đáp ứng được yêu cầu xã hội”, ông Sáu nói.
tin liên quan
Trường đại học của VN nên tham gia bảng xếp hạng nào ?
Không chỉ vậy, theo ông Sáu, vấn đề tuyển sinh cũng đang có nhiều vấn đề đặt ra trong thực tế, đặc biệt năm 2018 vừa qua.
Từ những dẫn dắt trên, PGS-TS Dương Văn Sáu cho rằng chúng ta đang chuyển từ đào tạo ĐH tinh hoa, đỉnh cao xuống đào tạo phổ cập và đại trà. Từ đó tạo ra rất nhiều “hàng nhái”, “hàng chợ”. Khi có bộ lọc của thế giới, sự chia sẻ giữa đào tạo trong nước và quốc tế thì “hàng nhái” này sẽ bị loại ra.
GS-TSKH Lâm Quang Thiệp, Trường ĐH Thăng Long, ý kiến: “Văn bản nhà nước đang có mâu thuẫn khi quy định thời gian đào tạo tối thiểu 3 năm. Bởi khung đào tạo hiện đang quy định 120 tín chỉ tương đương 4 năm bậc ĐH tập trung chứ không thể trong 3 năm. Áp dụng ĐH khai phóng nên 4 chứ không phải 3 năm”.
Nhiều văn bản của Bộ GD-ĐT đã lạc hậu
Phát biểu tại đây, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nói: “Chúng ta đã phát biểu nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng thực tế các trường chúng ta quá chậm vì sức ỳ của giáo dục ĐH Việt Nam lớn. Không chỉ vậy, tư duy của con người, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo còn trì trệ, không kịp thay đổi với thời đại”.
Ông Dũng nói, chưa bao giờ nền tảng công nghệ thuận lợi để các trường hợp tác, chia sẻ nguồn lực cùng phát triển như hiện nay. Trước đây thầy giáo không dám chia sẻ lên mạng bài giảng vì sợ trường này lấy nhưng nay không có lý do gì mà một giáo sư cực giỏi mà có bài giảng không chia sẻ với các trường khác. Thời đại ngày nay, một thầy giáo dạy ở đây nhưng toàn thế giới có thể xem được bài giảng qua mạng.
Theo ông Dũng, các trường còn có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau. Sinh viên của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhưng ở Thủ Đức, quận 2 có thể đến Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM học để được công nhận tín chỉ lẫn nhau.
Do đó, các văn bản hiện hành của Bộ GD-ĐT rất lạc hậu. Ví dụ việc tính chỉ tiêu dựa vào đội ngũ giảng viên, theo diện tích văn phòng không còn phù hợp nếu áp dụng theo cách thức sẻ chia nguồn lực hiện tại. Hiện cho phép sinh viên học tập trên điện thoại di động thì không cần phòng ốc. Cải cách giáo dục ĐH cần có tư duy mới, bộ phải trở thành một cầu nối, tập trung nguồn lực để gắn kết chia sẻ nhau.
Bình luận (0)