Dư luận chưa hết bàng hoàng khi một phụ huynh ở Long An bắt giáo viên phải quỳ gối xin lỗi vì cô giáo này đã phạt con mình quỳ gối thì lại xảy ra vụ tương tự ở Nghệ An. Những trường hợp phụ huynh đánh giáo viên cũng không còn là chuyện lạ. Kiểu “ăn miếng trả miếng này” sao có thể xảy ra ở một dân tộc vốn xem trọng người thầy và có truyền thống hiếu học?
Rồi chính những người thầy với nhau cũng đối xử thật tệ. Chưa bao giờ mà tần suất thông tin cảnh cáo, kỷ luật hiệu trưởng, giáo viên vi phạm pháp luật, đạo đức lại ào ạt đến như vậy trên các phương tiện truyền thông. Hết ăn chặn tiền lương giáo viên, đến nhận tiền chạy hợp đồng, lạm thu, tuyển dụng sai quy định…
Giữa thầy và trò cũng bi đát không kém. Lạm thu tiền trường, cắt xén bữa ăn bán trú, ăn tiền hoa hồng sản phẩm phục vụ việc học của học sinh, chèn ép buộc học sinh học thêm… giờ không là chuyện hiếm.
Mối quan hệ giữa thầy cô - học trò - phụ huynh có lẽ chưa bao giờ xấu như hiện nay đến mức ai cũng nghi kỵ, ngờ vực lẫn nhau.
Ba câu chuyện gần đây nhất nghe như không tưởng nhưng ngẫm ra thật đau lòng.
Chuyện thứ nhất khi một cô giáo ở TP.HCM một thời gian dài chỉ viết bài lên bảng mà không mở lời giảng bài với học sinh. Lý do được cho là cô nghi ngờ “có một học sinh cũ nói trong lớp ghi âm bài giảng của cô, có gì thì tung ra đánh cô giáo”.
Chuyện thứ hai có phụ huynh ở Đà Nẵng tố hiệu trưởng một trường THCS bêu tên học sinh không chịu học phụ đạo vào giờ chào cờ. Tuy nhiên, theo thanh tra của phòng giáo dục thì đây chỉ là nhắc nhở cả tập thể lớp về nền nếp!?
Chuyện thứ ba, lãnh đạo một trường tiểu học ở Hà Nội mời công an vào cuộc điều tra khi có phụ huynh khiếu nại áo con anh bị dính phân sau khi anh phản đối liên quan đến chuyện nhà trường mua trang thiết bị cũ!
Từ bao giờ mà cô giáo lại chọn một thái độ im lặng tiêu cực như vậy để đối xử với tất cả học sinh, như là một sự trừng phạt? Từ đâu mà bất kỳ một hành động nào của nhà trường ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh cũng bị phụ huynh nghi ngờ cho rằng có động cơ xấu? Ấy là khi niềm tin đã cạn thì con người ta mới cư xử nhau như vậy.
Lòng tin bị mất từ nhiều phía bởi cả 3 đối tượng: thầy cô - học trò - phụ huynh, ai cũng đánh mất đi hình ảnh, sự tôn trọng, sự yêu thương, trách nhiệm của mình. Một khi thầy chưa ra thầy, xem cái tôi mình quá lớn; phụ huynh cư xử thiếu đạo lý; học trò không biết xem trọng lễ nghĩa, luân lý thì môi trường học đường vốn đầy tình thương và trách nhiệm dần biến mất mà trở thành một nơi đầy đe dọa.
Nguyên nhân thì chắc ai cũng biết. Vấn đề còn lại và quan trọng lúc này là tìm cách để trở lại với những giá trị bình thường mà dân gian luôn nói: thầy ra thầy - trò ra trò. Nếu không, hậu quả sẽ còn kinh khủng hơn.
Bình luận (0)