(TNO) Vụ tấn công đẫm máu nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo khiến 12 người thiệt mạng đã tạo ra một cuộc tranh luận về tự do ngôn luận và vấn đề tôn giáo.
Tổng biên tập của Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnier bị sát hại - Ảnh: AFP
|
Theo phân tích của nhiều tờ báo, nguyên nhân dẫn tới vụ thảm sát đẫm máu này do tờ tuần báo Charlie Hebdo đã đăng tải những ấn bản biếm họa, khiêu khích đối với người Hồi giáo. Đây cũng không phải lần đầu tiên tờ báo này bị tấn công. Năm 2011, tòa soạn Charlie Hebdo cũng bị phá hủy do đăng hình ảnh chế giễu nhà tiên tri Mohammad.
Bản thân Tổng biên tập tờ báo này, Stephane Charbonnier cũng không ít lần bị đe dọa, thậm chí đã phải sống trong sự bảo vệ của cảnh sát. Thế nhưng, người đàn ông sinh năm 1967 này chưa một lần chịu lùi bước trước những lời đe dọa. Ông từng bỏ ngoài tai những can gián của giới chức Pháp khi đăng tấm hình nhà tiên tri Mohammad khỏa thân vào năm 2012, và ông cũng khẳng định mình sẽ không từ bỏ quyền tự do ngôn luận.
Sau khi vụ tấn công xảy ra, ngay lập tức, người ta nghĩ đến mối quan hệ giữa tự do ngôn luận và vấn đề tôn giáo. Có vẻ như cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Có người lên án, có người lại lo sợ và cũng chê trách tờ báo Charlie Hebdo đã quá liều lĩnh.
Người biểu tình với dòng chữ Je Suis Charlie (Tôi là Charlie) - Ảnh: AFP
|
Một bản kiến nghị được đăng tải trên trang web Change.org nhằm kêu gọi các nhà báo trên khắp thế giới đăng tải đầy đủ và không kiểm duyệt các hình ảnh “La vie de Mahomet” của Charlie Hebdo để thể hiện tình đoàn kết. Kiến nghị này đã thu được hàng nghìn chữ ký ủng hộ, theo Global News.
Trong phát biểu của mình, Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa cực đoan, đồng thời kêu gọi cả thế giới cùng nhau đứng lên chống lại những người muốn xâm hại đến công lý và nền báo chí tự do. Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thì gọi cuộc xả súng tại tòa soạn Charlie Hebdo là “hành vi đột kích trực tiếp vào nền dân chủ, truyền thông và tự do ngôn luận”, theo The Guardian.
Trong khí đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel mạnh mẽ lên án: “Hành động kinh tởm này không chỉ đơn thuần là một cuộc tấn công nhắm vào mạng sống công dân và an ninh của nước Pháp. Nó là cuộc truy kích làm phương hại đến tự do ngôn luận và báo chí, các yếu tố cốt lỗi của nền văn hóa dân chủ tự do. Không có cách giải thích hợp lý nào đối với một hành động như vậy”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel lên án vụ tấn công làm phương hại đến tự do ngôn luận và báo chí - Ảnh: AFP
|
Bản thân nhiều cơ quan truyền thông của Pháp như Radio France, Le Monde và France Télevisions đề nghị hỗ trợ để tạp chí Charlie Hebdo “tiếp tục sống”, đồng thời kêu gọi các cơ quan truyền thông trên khắp nước Pháp “cùng nhau bảo vệ các nguyên tắc độc lập, tự do ngôn luận và báo chí, vốn là những yếu tố cấu thành nên nền dân chủ”.
Thế nhưng, một bộ phận khác lại tỏ ra e ngại với các vấn đề tôn giáo, họ bắt đầu sợ hãi. Một số hãng tin và tờ báo ở Mỹ cho biết họ cũng đã kêu gọi tránh đăng tải những hình ảnh hoặc tài liệu xúc phạm tôn giáo. Ông Bill Marimow, Tổng biên tập của tờ The Philadelphia Inquirer (Mỹ), khẳng định với Reuters rằng tờ báo này sẽ không đăng tải những tranh biếm họa về Hồi giáo.
Người phát ngôn hãng tin AP Paul Colford cho hay chính sách lâu nay của hãng này là tránh dùng những hình ảnh khiêu khích. Hãng tin AP cho biết họ đã xử lý lại một bức ảnh năm 2012 của Tổng biên tập Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnier, loại bỏ bức biếm họa về Mohammad trên tờ báo mà ông cầm trên tay.
AP gỡ hình về Chúa Jesus - Ảnh: chụp màn hình trang Gawker.com
|
Trang Gawker.com đưa tin, ngay sau cuộc tấn công nói trên, hãng tin AP cũng đã gỡ bức hình chụp cây thánh giá với tượng Chúa Jesus bị đóng đinh, trong thư viện hình ảnh của mình. Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal (Mỹ) khi đăng tin về vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo đã phải loại những ảnh có tranh biếm họa về Mohammad.
Người phát ngôn Danielle Rhoades Ha của tạp chí Time (Mỹ) cho biết ban biên tập tạp chí này quyết định chỉ mô tả vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo bằng câu chữ, chứ không sử dụng hay đăng tải lại những bức ảnh biếm họa về Mohammad của tờ Charlie Hebdo để minh họa cho bài viết.
Trong bối cảnh những cuộc tấn công vẫn liên tục xảy ra xuất phát từ các nguyên nhân về tôn giáo trên khắp các châu lục, điển hình nhất là sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS), tổ chức quy tụ và lôi kéo được nhiều công dân các nước ở khắp mọi nơi, ai nấy đều có trong mình nỗi lo sợ.
Những đoạn video mô tả hình ảnh các nhà báo bị IS chặt đầu năm 2014 vẫn còn ám ảnh dư luận. Hơn bao giờ hết, những báo động về an toàn tính mạng được đưa ra đối với đội ngũ làm báo. Câu hỏi đặt ra là báo giới phải cân bằng 2 yêu tố tự do ngôn luận và đưa tin về tôn giáo như thế nào.
Suy cho cùng, những cuộc tấn công này đáng lên án đồng thời cũng khiến các nhà báo, các cơ quan truyền thông báo chí phải có những quyết định của riêng mình.
Bình luận (0)