Khi tuyến giáp nổi loạn, phải làm gì?

17/02/2017 09:49 GMT+7

Sức khỏe của con người trong vài trường hợp, có khi rơi vào cảnh éo le “đau nam chữa bắc”. Đôi khi nguyên nhân gây bệnh mới nghe tưởng chừng như không liên quan nhưng thực tế nó lại có khả năng nắm quyền điều khiển.

Chẳng hạn như tình trạng rối loạn nhịp tim, rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi,… mà thủ phạm lại là tuyến giáp ở tận vùng yết hầu.
Thực tế có 90% phụ nữ thiếu máu cơ tim đồng thời là nạn nhân của rối loạn chức năng tuyến giáp.
Suy cũng mệt
Suốt hai tháng nay, chị Hồng Phương, 39 tuổi (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cảm thấy hoang mang vì nghĩ mình bị mãn kinh sớm khi kinh nguyệt xuất hiện 2 lần/tháng, kèm theo mệt mỏi, đau đầu thường xuyên, dễ xúc động. Đến bệnh viện kiểm tra, chị Phương ngạc nhiên khi ngoài kiểm tra sức khỏe phụ khoa, bác sĩ chỉ định chị nên kiểm tra chức năng tuyến giáp.
Kết quả là chị bị suy giáp và sau 2 tháng bổ sung hormone tuyến giáp, chu kỳ kinh nguyệt của chị đã trở lại bình thường.

tin liên quan

Nhận biết tuyến giáp có vấn đề
Bạn luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi cùng cực nếu tuyến giáp không hoạt động đúng cách. Điều này dẫn đến mức năng lượng thấp và bạn lúc nào cũng chỉ muốn ngủ.

Theo TS-BS Phạm Văn Bùng - Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Hồng Đức, suy giáp hay cường giáp đều có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ dù cơ chế tác động của nó chưa được chứng minh rõ. Hormone tuyến giáp một khi bị thiếu hụt thì các tế bào trong cơ thể không còn hoạt động bình thường. Bệnh ít khi gây ra triệu chứng ở giai đoạn đầu hoặc nếu có cũng rất mơ hồ như sợ lạnh, mệt mỏi, táo bón, da khô, cảm giác buồn ngủ dù không thiếu ngủ, đau nhức cơ khớp, rối loạn kinh nguyệt, khàn giọng, tăng cân không rõ nguyên nhân, giòn móng tay và tóc... Chính vì các triệu chứng không rõ ràng nên phần lớn bệnh nhân suy giáp không được điều trị sớm. Một khi tuyến giáp suy giảm quá mức và không được điều trị, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, có thể dẫn tới bướu cổ, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, vô sinh, tăng cholesterol trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim...
Tình trạng suy giáp cũng không chừa trẻ nhỏ với triệu chứng vàng da, vàng mắt, thường xuyên bị nghẹn, táo bón, cơ bắp kém, buồn ngủ nhiều... Suy giáp ở trẻ nếu không được điều trị có thể dẫn đến chậm phát triển về thể chất, tăng trưởng kém, chậm phát triển răng, dậy thì muộn, thậm chí bị tâm thần nặng.
Tăng cũng... đuối
Lưu ý: Bệnh nhân uống thuốc kháng giáp chữa cường giáp phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe chặt chẽ theo chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng bị suy giáp do uống thuốc quá liều và kéo dài vượt mức cần thiết.
Giống như suy giáp, cường giáp cũng không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng, với các triệu chứng như sợ nóng, đổ mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, dễ buồn dễ khóc, khó tập trung, mất ngủ, run tay, sụt cân dù ăn nhiều, tiêu chảy dù không đau bụng, rụng tóc, móng tay khô, gãy, giảm khả năng tình dục, kinh nguyệt bất thường... rất giống hiện tượng stress, tiền mãn kinh, nên hầu hết bệnh nhân chọn cách “sống chung với lũ” vì nghĩ stress mà ai... không có. Bệnh chỉ được phát hiện khi có triệu chứng đau ngay vùng cổ do viêm giáp hoặc tuyến giáp phát triển thành bướu giáp.
Tuyến giáp cung cấp hormone tuyến giáp gọi là T3 (liothyronin) và T4 (levothyroxin). Cường giáp là tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp, làm gia tăng sản xuất hormone tuyến giáp T3 và T4 vào máu nhiều hơn bình thường, gây ra nhiều rối loạn chuyển hóa. Có nhiều nguyên nhân gây ra cường giáp như: basedow, bướu giáp đa nhân hóa độc (thiếu i ốt), viêm giáp bán cấp (nhiễm vi rút, dùng hormone tuyến giáp), chế độ ăn quá dư thừa i ốt, dùng thuốc amiodaron, interferon, thai trứng, ung thư tế bào nhau...
Cường giáp là một bệnh đáp ứng tốt với điều trị. Nhưng nếu để bệnh kéo dài, không chữa trị đúng cách làm bệnh tái phát nhiều lần sẽ làm tình trạng bệnh càng nặng thêm, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như khiến xương dễ gãy, rối loạn nhịp tim, suy tim, thậm chí tử vong.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.