Hôm qua (19.9), Úc một lần nữa lên tiếng bảo vệ cho quyết định hủy bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp trị giá khoảng 90 tỉ AUD (khoảng 65 tỉ USD). Reuters dẫn lời Thủ tướng Úc Scott Morrison nhấn mạnh: “Tôi không hối hận về quyết định đặt lợi ích quốc gia của Úc lên hàng đầu”.
Cú đột phá
Quyết định trên được đưa ra sau khi Mỹ - Anh - Úc công bố thỏa thuận thành lập liên minh 3 bên mang tên AUKUS, bao gồm thỏa thuận Washington và London sẽ hỗ trợ Canberra phát triển đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) nhưng không mang theo vũ khí hạt nhân.
Thực tế, từ vài năm qua, dư luận của Úc đã không ngừng chỉ trích chính quyền về thỏa thuận mua 12 tàu ngầm của Pháp vì chi phí quá đắt đỏ. Ngoài số tiền 90 tỉ AUD, dự kiến Canberra còn phải chi ra 145 tỉ AUD để vận hành trong suốt dòng đời của số tàu ngầm - vốn thường kéo dài từ 40 - 50 năm. Mức chi phí trên được cho là ngang ngửa với việc đầu tư hạm đội SSN.
Trong khi đó, 12 tàu ngầm do Pháp cung cấp chỉ là loại sử dụng động cơ điện kết hợp diesel, không thể so sánh với SSN.
Hiện nay trên thế giới, chỉ Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đang sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, do sự phức tạp về công nghệ. Bên cạnh đó, vì nhiều yếu tố nhạy cảm, các nước gần như không chia sẻ hay cung cấp công nghệ SSN. Úc là nước thứ 2 sau Anh được Mỹ cung cấp công nghệ này.
Tàu ngầm chạy điện-diesel mỗi khi được sạc đầy điện nhờ vào sự hoạt động của động cơ diesel thì sẽ chuyển sang vận hành bằng điện để tạo sự êm ái, khó bị phát hiện. Tuy nhiên, quá trình chạy bằng điện bị giới hạn về mặt thời gian nên lại phải chạy bằng diesel để sạc điện thì lại có độ ồn cao.
|
Thêm vào đó, tàu ngầm sử dụng động cơ điện-diesel phải thường xuyên bổ sung nhiên liệu nên khó hoạt động liên tục vượt quá vài tháng. Còn SSN với động cơ hạt nhân nên thời gian hoạt động lâu hơn hẳn, thậm chí về mặt lý thuyết thì có thể hoạt động nhiều tháng.
Chính vì vậy, khi sở hữu SSN, hải quân Úc có thể hoạt động ở nhiều vùng biển trong thời gian dài. Cụ thể hơn, trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) chỉ ra rằng nếu sở hữu 8 chiếc SSN như thỏa thuận của AUKUS, hải quân Úc có thể hiện diện gần như liên tục ở Biển Đông.
|
Ông lớn phía nam
Hiện nay, Úc đã sở hữu 2 tàu đổ bộ tấn công HMAS Canberra và HMAS Adelaide đều thuộc lớp Canberra.
Đây là lớp tàu đổ bộ có kích thước lớn, mang thiết kế như một tàu sân bay cỡ nhỏ nên có thể nâng cấp để mang theo chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 mà Úc vốn nằm trong nhóm khách hàng đặt mua. Nhật Bản cũng đã tiến hành nâng cấp như vậy với tàu đổ bộ JS Kaga thuộc lớp Izumo.
Vì vậy, Canberra hoàn toàn có thể tiến đến sở hữu 2 nhóm tác chiến tàu sân bay. Từ thực tế này, khi kết hợp cùng hạm đội tàu ngầm hạt nhân thì hải quân Úc sẽ trở thành “ông lớn” có đầy đủ “đồ chơi”, trở thành đồng minh trụ cột với Mỹ ở phía nam Thái Bình Dương. Thêm vào đó, tuy không sở hữu nhiều chiến hạm nhưng Canberra lại có các tàu khu trục, tàu hộ tống tối tân như các lớp Hobart, Anzac…
|
Úc lại là một thành viên của “bộ tứ kim cương” (3 thành viên còn lại là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ), đồng thời thường xuyên chỉ trích các hành vi của Trung Quốc ở các vùng biển trong khu vực. Chính vì vậy, việc Úc sở hữu SSN sẽ giúp Mỹ cùng đồng minh hình thành nên một chốt chặn mới quan trọng ở phía Nam nhằm vào Trung Quốc.
Bình luận (0)