Khi văn học trinh thám không chỉ là… trinh thám

29/10/2022 06:39 GMT+7

“Ông hoàng” tiểu thuyết trinh thám Pháp, nhà văn Michel Bussi cho biết khi ông bắt đầu sáng tác, thị trường có rất nhiều tác giả Mỹ.

Mặc dù vậy, hiện nay thị trường sách trinh thám tại Pháp chỉ còn lại chủ yếu tác giả trong nước, tác giả Mỹ và Bắc Âu tuy có nhưng ít hơn nhiều. “Chúng tôi có những cốt truyện Pháp, khai thác yếu tố kỳ bí, một phong cách viết thuần Pháp, khác với tiểu thuyết Mỹ. Sách Mỹ, phim Mỹ có những kỹ thuật điều tra của ngành tòa án Mỹ nhưng nó không có đặc thù như Pháp”, ông Bussi chia sẻ tại Hội thảo tiểu thuyết trinh thám qua góc nhìn nhà văn nổi tiếng do Viện Pháp, Công ty Nhã Nam và Thư viện Quốc gia tổ chức tại Hà Nội.

Ông Michel Bussi cho rằng cách riêng đặc thù Pháp chính là điều khiến các nhà văn trinh thám nước này chiếm được thị trường nội địa. “Nhiều nước cũng có nền văn học trinh thám phát triển. Thể loại này có yêu cầu tìm hiểu về các vấn đề xã hội, tòa án. Các vụ án tham nhũng chẳng hạn, vấn đề bất công… là nguyên liệu để viết. Tốt nhất là tìm hiểu vấn đề đó và viết thì hơn là xem trinh thám Mỹ vì nó không phản ánh được vấn đề của mình. Nếu ta viết được câu chuyện ở ngay đất nước của mình thì hơn”, nhà văn nhận định.

“Ông hoàng” tiểu thuyết trinh thám Pháp, nhà văn Michel Bussi

Nhã Nam cung cấp

Di Li, nữ nhà văn nổi tiếng với những tiểu thuyết trinh thám tại VN, cho rằng thách thức nhất khi viết thể loại này là trí tưởng tượng. Mặc dù vậy, trí tưởng tượng lại không phải thế mạnh của người châu Á nói chung và người VN nói riêng. Cũng chính vì thế, các thể loại cần huy động tối đa trí tưởng tượng cũng như huyền ảo, phiêu lưu mạo hiểm, viễn tưởng ở VN rất ít.

Cũng theo bà Di Li: “Viết trinh thám ở VN cần phải có 2 yếu tố, tưởng tượng nhưng vẫn phải bám sát thực tế, vẫn dựa vào thực tế để độc giả thấy thật. Nếu độc giả xem mà thấy tác giả đang bịa thì tác giả thất bại”.

Nhà văn Di Li phân tích: “Thế kỷ trước thì trinh thám chỉ là vụ án hấp dẫn là đủ. Còn bây giờ khi lược bỏ tội ác, các cuốn sách đó vẫn hấp dẫn và nhân văn như những tiểu thuyết khác. Các tác giả đương đại ngày càng tiếp cận cái nhìn giống như tiểu thuyết thông thường. Vì thế, trinh thám dù kể câu chuyện tội ác vẫn phải có tư tưởng, thông điệp trong đó. Chưa kể, nó còn khó gấp đôi khi viết vì phải có nhiều thứ hấp dẫn, nhiều khúc cua gấp”.

Một xu hướng nữa là tính tư liệu của trinh thám ngày càng cao. Nhà văn Di Li cho biết khi viết cuốn tiểu thuyết thứ ba, bà phải đi Hàn Quốc tới 5 lần. “Số lượng tư liệu tìm kiếm khổng lồ, ngoài ra còn tiếp cận nhiều người trong ngành hình sự, người bản địa để tìm tư liệu”, bà nói.

Về điều này, nhà văn Bussi cho rằng trước đây tiểu thuyết trinh thám thường ngắn vì cốt truyện đơn giản, nhanh chóng xác định thủ phạm. Nhưng độc giả đã quá quen với kiểu đó rồi, họ xem cả sê ri trinh thám nhiều, các bạn đọc đều thành chuyên gia rồi, mới xem đã biết nhân vật nào là thủ phạm rồi, ai là phản diện rồi. “Họ đã quá quen nên họ cần chuyện hay hơn, hấp dẫn hơn, thủ phạm có đầu óc hơn… Chuyện diễn ra ở quốc gia nào thì người đọc phải đọc được, hiểu thêm được nhiều về quốc gia đó như hệ thống điều tra, tư pháp…”, ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.