Khi vé số ở đỉnh tiêu thụ: Áp lực 'ngầm' sau doanh số gần 140.000 tỉ

08/02/2024 06:55 GMT+7

Tỷ lệ tiêu thụ vé số truyền thống của khu vực miền Nam hiện ở mức 98% - 99%. Doanh số phát hành xổ số đang được xem là cao nhất trong lịch sử, ngay cả người làm trong ngành này cũng 'không tưởng tượng nổi'.

Thị trường vé số tăng nóng như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch Covid-19, liệu có phải hoàn toàn đáng mừng, nhất là đối với những người bán vé số dạo?

Lý giải tỷ lệ tiêu thụ vé số cao chót vót

Ngày 22.1, tại tỉnh An Giang đã diễn ra hội nghị xổ số kiến thiết khu vực miền Nam lần thứ 132 (tổng kết hoạt động năm 2023). Theo báo cáo của Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam, năm 2023, tỷ lệ tiêu thụ bình quân của khu vực miền Nam (gồm 21 công ty xổ số kiến thiết của 21 tỉnh, thành) đạt 98,04%, tăng 2,01% so với năm 2022; doanh số phát hành xổ số truyền thống đạt 139.400 tỉ đồng, tăng 10,39% so với năm 2022…

Khi vé số ở đỉnh tiêu thụ: Áp lực 'ngầm' sau doanh số gần 140.000 tỉ- Ảnh 1.

Một người bán vé số dạo tại TP.HCM

NHƯ LỊCH

Khi được hỏi ý kiến phân tích tình hình tiêu thụ vé số hiện nay, một người có nhiều năm công tác trong ngành xổ số chia sẻ với PV Báo Thanh Niên: "Tôi chưa bao giờ nghĩ là sẽ có ngày tỷ lệ tiêu thụ vé số lên đến 98% - 99%, thậm chí có lúc 100%, vậy mà bây giờ đã đến con số đó! Số lượng vé phát hành cũng tăng cao kỷ lục. Ai làm ở ngành này mơ mộng lắm cũng không tưởng tượng nổi, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch Covid-19".

Theo vị này, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tiêu thụ vé số "trong lịch sử chưa bao giờ đạt được mức đó".

Thứ nhất, lượng người bán vé số dạo tăng lên do tình hình kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều. Bên cạnh số người bán dạo lâu năm, còn có những người từ miền quê đến và những người bị mất việc cũng chuyển qua lấy vé bán. Lượng người bán đông nên nếu ai bán yếu là bị điều chuyển vé sang người khác bán.

Thứ hai, nhu cầu mua vé số cũng tăng lên. Thời buổi kinh tế khó khăn, có nhiều người không biết làm gì cho đỡ khổ nên đã mua vé số lai rai cầu may.

Ngoài ra, còn có yếu tố: Trước đây, tỷ lệ tiêu thụ chỉ khoảng 70% - 80% thì còn 20% - 30% vé bán không hết bị đưa vô kho và có khi vé trúng nằm trong số lượng vé tồn đó. Còn bây giờ, tỷ lệ tiêu thụ đến 98% - 99% thì gần như toàn bộ vé trúng nằm ngoài thị trường, rải rác ở các tỉnh, thành. Trong khi đó, số lượng vé trúng độc đắc hiện cũng nhiều hơn so với trước... Điều này phần nào tác động, kích thích người ta mua vé số.

Khi vé số ở đỉnh tiêu thụ: Áp lực 'ngầm' sau doanh số gần 140.000 tỉ- Ảnh 2.

Người bán dạo nhận vé số tại một đại lý

NHƯ LỊCH

Trước câu hỏi: "Theo ông, tỷ lệ tiêu thụ vé số quá cao như vậy là nên mừng hay trăn trở?", một vị cựu cán bộ trong ngành xổ số nêu quan điểm: "Nếu ở góc độ kinh doanh, bán tới mức đó dĩ nhiên là mừng chứ. In ra bao nhiêu vé số bán hết bấy nhiêu, bán đắt quá không mừng sao được (cười). Nhưng ở góc độ xã hội, tôi nghĩ rằng phải có vấn đề gì đó mới xảy ra tình trạng tỷ lệ tiêu thụ vé số quá cao như vậy".

Âm thầm ôm vé ế bởi "luật ngầm"

Nhìn vào tỷ lệ tiêu thụ vé số truyền thống của khu vực miền Nam trong năm 2023 cao gần "kịch trần" như trên, dễ dàng suy ra tỷ lệ vé ế trả về các công ty xổ số kiến thiết vô cùng ít ỏi.

Tuy nhiên, không ít đại lý và người bán vé số dạo cho chúng tôi biết họ phải âm thầm "ôm" vé mỗi khi bán ế, chứ không dám trả lại đại lý cấp trên hoặc công ty.

Một chủ đại lý vé số cấp 2 (xin giấu tên) tại H.Bình Chánh, TP.HCM tiết lộ: "Thời buổi khó khăn, chúng tôi bán chậm hơn trước. Kể ra xấu hổ, cục vé ế tôi "ôm" để trong nhà từ lễ 30.4.2023 đến nay cân lên cũng mười mấy ký. Con tôi thắc mắc: Mẹ bán ve chai hả? Tôi bảo: Để đó con, mấy trăm triệu đồng của ba mẹ nằm trong đó".

Khi vé số ở đỉnh tiêu thụ: Áp lực 'ngầm' sau doanh số gần 140.000 tỉ- Ảnh 3.
Khi vé số ở đỉnh tiêu thụ: Áp lực 'ngầm' sau doanh số gần 140.000 tỉ- Ảnh 4.

Số vé ế “không dám trả” tại một đại lý, do ảnh hưởng của “luật ngầm”

NVCC

"Chị có được trả vé ế cho đại lý cấp 1?", tôi hỏi. Chủ đại lý này bộc bạch: "Mình được trả vé ế, nhưng từ đó họ cắt luôn, không đưa vé cho mình bán nữa. Những hôm ế ẩm, nhất là mùa mưa, vợ chồng tôi phải ráng ôm vé ế. Bản thân tôi còn bị vậy, huống chi những người bán dạo".

Chị B., một chủ đại lý cấp 2 tại Q.8, TP.HCM cho hay vào mùa tết vé số bán được. Dù vậy, không tránh khỏi đôi khi bạn hàng của chị là những người bán dạo nghỉ đột xuất do gặp sự cố bất ngờ như đau ốm. Lúc đó, chị B. lấy lại vé từ bạn hàng để bán, nếu bán không được thì chị đành ôm vé.

"Mình thông cảm cho người bán dạo, nhưng đại lý cấp trên đâu hiểu cho mình, họ chỉ biết đưa vé xuống tiêu thụ. Nếu lỡ ngày nào mình tiêu thụ không hết và trả vé về thì sau đó họ sẽ cắt luôn vé của mình để đưa người khác bán, tức là đại lý tự "giết" nhau".

Để chấn chỉnh tình trạng như trên, ngày 3.1, Ban thường trực Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đã ra văn bản yêu cầu các đại lý phải cho người bán lẻ trả vé số.

Theo thông báo này, tất cả công ty xổ số kiến thiết trong khu vực miền Nam đều duy trì các điểm thu hồi vé ế ở khắp các tỉnh, thành miền Nam. Các công ty xổ số kiến thiết đều không được quy định đại lý không được trả lại vé ế cũng như không gây áp lực với bất cứ hình thức nào đối với đại lý cấp 1 trong việc trả vé số ế. Do đó, đại lý cấp 1 không được gây áp lực đối với đại lý các cấp và người bán lẻ trong việc trả vé ế, phải cho người bán lẻ trả lại vé số ế...

Thông báo nêu rõ: "Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam đề nghị các công ty xổ số thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành của đại lý và kịp thời nhắc nhở cũng như có biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm".

Khi vé số ở đỉnh tiêu thụ: Áp lực 'ngầm' sau doanh số gần 140.000 tỉ- Ảnh 5.

Những người bán vé số dạo sau một ngày mưu sinh

NHƯ LỊCH

Thế nhưng, cho đến nay, "luật ngầm" trả bao nhiêu vé ế thì sẽ bị giảm chừng đó vé số, thậm chí còn bị cắt đường làm ăn (không giao vé cho bán) vẫn gây ảnh hưởng không nhỏ đến các tầng nấc tiêu thụ. Theo đó, nhiều người bán vé số dạo bằng mọi cách phải bán hết vé, kể cả năn nỉ ỉ ôi đến bán chịu cho khách. (còn tiếp)

Báo cáo tại hội nghị xổ số kiến thiết khu vực miền Nam lần thứ 132 cho thấy: Năm 2023, doanh thu xổ số truyền thống đạt 136.671 tỉ đồng, tăng 12,70% so với năm 2022; chi phí trả thưởng là 66.776 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 48,86 % trên tổng số doanh thu; lợi nhuận thực hiện (trước thuế) 17.025 tỉ đồng, tăng 14,93% so với năm 2022 và đạt 117,33% kế hoạch năm 2023 (sau khi trích lập các quỹ theo quy định, số còn lại tất cả nộp vào ngân sách nhà nước); nộp ngân sách 41.059 tỉ đồng, tăng 10,55% so với năm 2022 và đạt 113,56% kế hoạch năm 2023…

"Thị trường vé số cạnh tranh khốc liệt"

Chị L. (chủ một đại lý vé số tại Q.8, TP.HCM) tâm tư: "Thị trường vé số bây giờ cạnh tranh khốc liệt, nhiều người ra mở đại lý nên đại lý nào yếu tiền và yếu thế nữa là thua. Mùa này bán được thì thấy bình thường, nhưng tới mùa mưa, có những người dẹp tiệm, sang lỗ, trốn nợ, do họ không bán được, ôm vé ế...".

Những năm gần đây, một vài đại gia mở nhiều đại lý vé số ở các vị trí đắc địa. Chương trình khuyến mãi, tặng thưởng cao của họ đã khiến những đại lý nhỏ không cạnh tranh nổi, còn người bán dạo "thua trắng" khoản này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.