Những trò chơi xuất xứ từ Pháp
Ở Hà Nội thời bao cấp, một trong những trò chơi được lũ con trai thích nhất là bóng đá. Bất kể mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng nực, cứ chiều chiều, trong công viên, đường phố hay bất kỳ khoảng trống nào đều có “đội bóng phố tôi”. Chíp chíp thì đá bằng bóng cao su, choai choai đá bóng da. Chúng say mê đến mức quả bóng bã bượt không muốn lăn còn lũ trẻ thì chả muốn dừng cuộc chơi.
tin liên quan
Cả làng nói 'tiếng lóng' độc đáo nhất ở Hà NộiLàng Đa Chất, xã Đại Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội khác lạ nhiều nơi khi người dân trong làng sử dụng thứ "tiếng lóng" như... chim hót, nếu như không có người phiên dịch sẽ không ai hiểu được họ đang nói gì.
Bóng đá do người Pháp đưa vào VN đầu thế kỷ 20 và trẻ con Hà Nội bắt đầu chơi môn này ở các trường tiểu học những năm 1920. Giống như bóng đá, nhiều trò chơi xuất xứ từ nước Pháp như: bóng bàn, bóng rổ, cờ ca rô, cá ngựa, nhảy ngựa... cũng được con trẻ Hà Nội hào hứng đón nhận.
Những năm 1960, khi chơi trò chơi, trẻ con vẫn dùng tiếng Pháp và dần dần mới được Việt hóa. Tuy nhiên riêng trò sô vê (sauver, tiếng Việt nghĩa là cứu), thì trẻ không gọi chơi cứu mà gọi theo tiếng Pháp.
Thời bao cấp, dân ít, phố vắng nên trẻ con phố nào cũng thích chơi trò này. Đám trẻ chia ra 2 nhóm, số người của mỗi nhóm có thể nhiều hay ít nhưng phải bằng nhau. Sau khi đại diện 2 nhóm “oẳn tù tì”, nhóm thua phải làm “quân gian”, nhóm thắng sẽ là “công an”.
Nhóm “công an” có nhiệm vụ đi bắt “quân gian” trong các con phố mà 2 nhóm đã thống nhất. Khi phát hiện ra “quân gian”, “công an” đuổi theo và phải đập vào “quân gian” 3 cái, nếu chỉ đập được 2 là chưa bắt được. Sau khi bắt được “quân gian”, “công an” đưa về “đồn” (là góc phố hay cột điện).
Đồn luôn có “công an” bảo vệ vì “quân gian” lúc nào cũng rình để cứu đồng bọn. Nếu phe “quân gian” xông vào và đập đồng bọn 3 lần coi như cứu được, và “quân gian” được giải thoát sẽ hô to: sô vê.
Trò chơi luôn gay cấn vì một nhóm lúc nào cũng muốn bắt còn nhóm kia lúc nào cũng tìm cách cứu đồng bọn. Có khi đến khuya mà “công an” vẫn chưa bắt hết “quân gian” nhưng đành phải giải tán về nhà vì đến giờ đi ngủ.
Có lẽ hồi bé ở Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Duy đã chơi sô vê nên khi đặt lời Việt cho bài hát Bang Bang (tên VN là Khi xưa ta bé) ông đã chuyển ký ức về trò chơi này thành lời:“Khi xưa ta bé ta chơi/Khi xưa ta bắn súng khơi khơi bang bang/Như công an đi bắt quân gian...”.
Trong hầm tránh bom vẫn chơi Trí Uẩn
Ở Hà Nội có một trò chơi xếp hình khơi gợi trí tưởng tượng. Không chỉ con trẻ mà cả người lớn cũng bị cuốn vào là chơi Trí Uẩn. Trong những tháng Mỹ ném bom miền Bắc, trẻ con Hà Nội đi sơ tán về các vùng quê và lúc tránh bom trong hầm nhiều đứa vẫn say mê chơi Trí Uẩn.
Lịch sử ra đời của Trí Uẩn khá ly kỳ. Tháng 5.1940, nhà báo Nguyễn Trí Uẩn bị Pháp bắt đưa đi an trí ở Phú Thọ. Sau ông trốn thoát về Hà Nội hoạt động bí mật. Thời kỳ này Pháp khủng bố trắng, mật thám lùng sục khắp nơi vì thế ông phải giấu mình trên gác bếp số nhà 42 phố Huế và trong lúc ẩn náu, ông giải khuây bằng cách cắt các miếng bìa chơi chắp hình.
tin liên quan
Đưa sân chơi dân gian vào phố cổ Hà Nội cho trẻ emCác kiến trúc sư trẻ của nhóm Think Playgrounds (TPG - nghĩ về sân
chơi trong thành phố) đã cùng một số Đoàn phường ở Hà Nội xây dựng những
sân chơi “di động” miễn phí cho trẻ em trong mùa hè.
Từ 1940 - 1943, ở Hà Nội và Sài Gòn rất nhiều người đã chơi trò này nhưng với cái tên Evereto. Sau 1954, biết trò chơi này do người VN sáng tạo, Bác Hồ đã lấy chính tên tác giả đặt cho trò chơi. Và ông Uẩn đã liên tục sáng tạo thêm nhiều hình mới. Trò chơi được in thành sách năm 1959, được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga. Từ những miếng ghép cố định được thiết kế theo tiêu chuẩn giản đơn hết mức, người chơi có thể suy nghĩ và tưởng tượng để ghép thành nhiều hình khác nhau. Ví dụ một trái tim nhưng có thể ghép theo 28 cách khác nhau, một quả tạ có tới 88 cách ghép.
Hiện nay, một công ty đã thiết kế, lập trình lại trò chơi này để người chơi có thể chơi ngay trên điện thoại, máy tính và từ cuối tháng 7.2014, xếp hình Trí Uẩn (hay Tangram Vietnam) đã chính thức có mặt trên Google Play, thích hợp cho các máy sử dụng hệ điều hành Android. Tiếc là nó không còn đình đám và phổ biến như thời trước.
Không chỉ Trí Uẩn, Hà Nội còn có nhiều trò chơi khác như: xèng, chọi cá, búng chun, móc hình từ dây, đồ, ù, bắn súng phốc bằng quả cây cơm nguội... Thu hút lũ con trai là chơi xèng, chọi cá, còn hội đồng tổng cốc thì cả trai lẫn gái đều chơi được.
Xèng là nắp chai bia Trúc Bạch đập phẳng ra, khi chơi rải quân xèng trên mặt đất, dùng cái đúc bằng chì đánh vào những đồng xèng dính vào nhau cho tan ra là ăn. Còn chơi chọi cá thường bắt đầu khi nghỉ hè.
Lũ trẻ quần đùi áo may ô đến Chợ Mơ, Hôm, Hàng Bè, có đứa lên tận làng Nghi Tàm mua cho rẻ và rồi suốt ngày chăm những con cá màu tím than, màu lá mạ chuẩn bị cho cuộc đấu. Và thường buổi trưa trốn ngủ, mấy đứa rủ nhau ra góc phố chọi cá. Đứa nào cũng có “đồng bọn” đi cùng để hò hét cổ vũ. Khi chúng oang oang, người già ở phố sẽ ra la mắng, chúng lại bê lọ cá chạy ra chỗ khác chọi tiếp.
Nhưng vui nhất là chơi hội đồng tổng cốc. Lũ trẻ quây quần và “oẳn tù tì”, đứa nào thua phải cúi đầu làm tội đồ cho đứa thắng cốc. Khi tội đồ ngẩng đầu lên nhìn xung quanh dò xét đứa nào đã cốc mình thì cả lũ mặt ngơ ngác nhìn nhau cứ như mình vô can. Nếu đoán đúng đứa cốc, thì đứa đó phải làm tội đồ còn sai lại tiếp tục cho đến khi đoán đúng. Thỉnh thoảng đứa đầu trò nháy mắt ra hiệu tất cả thông đồng nên tội đồ có đoán đúng chúng vẫn bảo sai và đứa đó dù ức vẫn phải cúi đầu tiếp. Vì thế mới có câu: “Hội đồng tổng cốc đề ra/Không ai được cãi nhà nhà phải theo”.
Ngày nay công nghệ thông tin phát triển, nhiều trò chơi hiện đại ra đời, chỉ cần một cái iPad, điện thoại thông minh là trẻ có thể chơi đủ loại game nên các trò chơi dân gian truyền thống, các trò chơi “rất Hà Nội” dần bị lãng quên, có trò mất hẳn. Cũng thật đáng tiếc, nhưng biết sao giờ?
tin liên quan
Trải nghiệm nét duyên quê ở Quảng BìnhĐến với Quảng Bình, ngoài những danh lam thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng, những lễ hội dân gian hay phong tục người dân địa phương thuần nông cũng vô cùng hấp dẫn đối với du khách thập phương...
Bình luận (0)